|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xung đột Nga - Ukraine khó đoán định diễn biến, doanh nghiệp xuất khẩu bắt đầu chịu ảnh hưởng, lo mất đơn hàng

18:57 | 07/03/2022
Chia sẻ
Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm cho rằng điều đáng lo ngại hơn là chưa thể đoán trước được tình hình cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine sẽ diễn biến theo hướng nào.

Xung đột Nga - Ukraine khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy

Tại buổi Tọa đàm “Xung đột Nga – Ukraine: Giảm tác động và tìm kiếm cơ hội mới", đánh giá về các tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây với Nga, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, cho biết chúng ta đang bước vào giai đoạn khó khăn, kinh tế thời điểm này đang hứng chịu tác động kép từ dịch bệnh và chiến tranh. Nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi thì đương đầu với những cú sốc mới.

Doanh nghiệp Việt Nam nhìn thấy cơ hội tiến sâu vào thị trường Nga từ cuộc xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 1.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. (Ảnh: Chụp màn hình sự kiện).

Chiến sự này đã đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào bất ổn, từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, giá nguyên vật liệu hàng hóa cơ bản tăng cao đến hệ thống thanh toán rủi ro, thị trường tài chính hoảng loạn, chứng khoán chìm trong sắc đỏ.

Ông Vũ Tiến Lộc nhận định nền kinh tế thế giới là một hệ sinh thái, một chuỗi cung ứng do đó những vấn đề triên không phải vấn đề riêng của một quốc gia hay khu vực mà sẽ lan ra, trở thành vấn đề toàn cầu. Đặc biệt là khi những điều này bắt đầu từ một quốc gia lớn thứ 11 trên thế giới là Nga, trong khi đó Ukraine được gọi là trái tim của châu Âu.

Ông đánh giá hệ quả của cuộc chiến này sẽ không hề nhỏ, đặc biệt là về niềm tin. Niềm tin của cộng đồng kinh doanh vào tương lai đang bị khủng hoảng. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn tới định hướng, sự phát triển nền kinh tế thế giới.

Nếu cuộc chiến này tiếp tục leo thang, những biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp. Nền kinh tế của Việt Nam cũng phải hứng chịu những tác động trực tiếp và gián tiếp.

Chẳng hạn như tác động trực tiếp lên hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Nga và Ukraine bởi vận chuyển khó khăn, chi phí tăng lên, giá cả tăng lên, thanh toán không được thực hiện. Dòng vốn đầu tư của Nga và Ukraine tại Việt Nam và ngược lại cũng sẽ bị ngưng trệ.

Tác động lớn hơn đến từ tác động gián tiếp, cuộc xung đột này sẽ tác động tới kinh tế toàn cầu, làm đứt gẫy chuỗi cung ứng toàn cầu. Chúng ta là nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc vào sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, nếu chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, xáo trộn, lạm phát toàn cầu tăng lên sẽ gây ra tác động rất lớn.

Doanh nghiệp xuất khẩu sang Nga bắt đầu chịu ảnh hưởng

Là doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu may mặc sang Nga, ông Nguyễn Duy Ninh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm thừa nhận, đơn vị này đang hứng chịu các biện pháp trừng phạt mạnh nhất từ ảnh hưởng của cuộc xung đột này.

Việc một số ngân hàng lớn của Nga bị loại khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT trước mắt đã gây ảnh hưởng đến việc thanh toán nhiều hợp đồng với đối tác Nga. “Khoảng 1 triệu USD giá trị hàng hóa đã xuất nhưng chưa được thanh toán. Về vận tải, lô hàng đã đến Hà Lan cũng bị giam ở kho chưa thể chuyển sang Nga”, ông Ninh dẫn chứng.

Cũng theo ông Ninh, ngoài các đơn hàng đã xuất đi, hiện doanh nghiệp này còn những đơn hàng đã mua nguyên phụ liệu với khoảng 40 container, khi chuyển sang thành phẩm tương đương với 100 container trị giá gần 5 triệu USD. Tuy nhiên, vấn đề này cũng phải đàm phán lại giữa hai bên, do hiện nay nền kinh tế Nga đang giảm nhu cầu tiêu thụ, người dân Nga cũng thắt lưng buộc bụng hơn.

Điều đó dẫn đến những lo ngại về việc các doanh nghiệp may bị mất đơn hàng là có thể xảy ra. “Dưới góc độ doanh nghiệp trực diện, chúng tôi hiện đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh nhất và đang loay hoay để giải quyết”, ông Ninh thừa nhận.

Không dừng lại ở đó, trong lĩnh vực vận chuyển, lưu thông hàng hóa cũng xuất hiện nhiều khó khăn hơn. Ông Ninh nhận định, doanh nghiệp sẽ phải lựa chọn cung đường dài hơn với những phương thức vận chuyển khác. 

“Trước đây dùng phương thức vận chuyển rẻ nhất, giờ có thể sắp phải vận chuyển bằng đường sắt hay hàng không, nhưng hai đường này hiện cũng rất vòng vèo. Quãng thời gian vận chuyển dài hơn sẽ có những rủi ro xảy ra, ví dụ chúng tôi có lô hàng kẹt ở Hà Lan đang lưu kho, thêm ngày nào mất tiền ngày đấy”, ông Ninh nói.

Ở tầm vĩ mô, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hồ Gươm cho rằng, lạm phát đang diễn ra trên toàn cầu và Việt Nam không nằm ngoài lo lắng này, từ lạm phát thì ảnh hưởng trước hết là đến người lao động. 

Trên diện rộng, đây là những đối tượng bị phụ thuộc bởi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp, khi kinh tế giảm sút khiến thị trường của doanh nghiệp bị co hẹp lại, thì chi phí về lương, an sinh xã hội và các chế độ khác cho người lao động đương nhiên sẽ phải cân nhắc.

Tuy nhiên, theo ông Ninh, đáng lo ngại hơn là chúng ta chưa thể đoán trước được tình hình cuộc xung đột giữa hai nước sẽ diễn biến theo hướng nào. Nếu các lệnh trừng phạt cấm không giao thương với Nga xảy ra, thì “kể cả doanh nghiệp có lạng lách hay sử dụng các hệ thống thanh toán khác cũng không thể làm gì”. Điều này sẽ ảnh hưởng hai chiều đến cả doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Nga và ngược lại doanh nghiệp Nga đang đầu tư tại Việt Nam.

“Tất cả các dự án liên quan đến công nghệ, tài chính của Nga đều phải dừng lại, tính bất định này khiến doanh nghiệp Việt Nam – Nga hiện nay đang phải dò dẫm, ngày nào biết ngày đó, đây là thực tế”, ông Ninh thừa nhận.

Cơ hội tốt để tiến sâu vào thị trường Nga

Những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng là không thể phủ nhận, song lãnh đạo Tập đoàn Hồ Gươm cho rằng, nếu nhìn tích cực vẫn thấy nhiều cơ hội. 

Hiện tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và Nga chỉ chiếm khoảng 1%, trong khi hai nước đang mong muốn hợp tác phát triển chặt chẽ hơn, đây chính là cơ hội lớn để doanh nghiệp Việt Nam tiến sâu vào thị trường Nga. 

“Nga chắc chắn sẽ bị hạn chế bởi thị trường phương Tây và hướng sang thị trường châu Á, trong đó có Việt Nam, chúng ta lại có mối quan hệ lịch sử với Nga thì phải tận dụng tốt cơ hội này”, ông Ninh nói.

Doanh nghiệp Việt Nam nhìn thấy cơ hội tiến sâu vào thị trường Nga từ cuộc xung đột Nga - Ukraine - Ảnh 2.

Ths. Nguyễn Duy Ninh, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hà Nội. (Ảnh: Chụp màn hình sự kiện).

Tuy nhiên, trở ngại lớn về vận tải là hiện chi phí logistic của Việt Nam cao, cần tái cơ cấu lại và phát triển hơn. 

Về du lịch, ông Ninh nhận định người Nga sẽ không dễ dàng du lịch sang Mỹ hoặc phương Tây, mà họ sẽ có nhu cầu đi du lịch các nơi khác, trong đó có Việt Nam.

“Để nắm bắt được các cơ hội đó, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ của Nhà nước, và chính sách để hiện thực hóa, còn các vấn đề về thanh toán, vận chuyển, tỷ giá, chúng ta có thể sử dụng kỹ thuật để làm. Vấn đề ở đây là không chỉ chúng ta nhìn thấy cơ hội mà tất cả các nước châu Á cũng vậy, vì thế ai nhanh sẽ nhận trái ngọt nhiều hơn”, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hồ Gươm nhấn mạnh.

Về phía doanh nghiệp, cần chủ động vấn đề logistics, bởi Việt Nam là nền kinh tế có giao thương nhiều các nước trên thế giới, nhưng hệ thống logistics lại phụ thuộc rất lớn vào bên ngoài. 

“Là doanh nghiệp xuất khẩu, chúng tôi mong muốn phải chủ động hơn trong vấn đề này để không còn bị phụ thuộc, làm sao có những doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo được cho chính chúng ta.

Về thể chế, cần có những cơ chế mạnh mẽ hơn để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam dịch chuyển, chuyển đổi số, tận dụng cơ hội cách mạng 4.0 lẫn cơ hội thay đổi địa chính trị. Cuối cùng, không chỉ doanh nghiệp mà tất cả người dân đều muốn môi trường ổn định chính trị, an cư lạc nghiệp thì mới phát triển được kinh tế”, vị lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định.

Phương Trang