|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: Doanh nghiệp tư nhân lớn tại Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp BĐS thông qua đầu cơ đất đai, không phải doanh nghiệp chế biến chế tạo

16:34 | 26/04/2022
Chia sẻ
Theo TS Jonathan Pincus, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đều rất nhỏ. Thêm vào đó, doanh nghiệp tư nhân lớn lại không phải là doanh nghiệp chế biến chế tạo mà là doanh nghiệp bất động sản thông qua đầu cơ đất đai.

Tại hội thảo "Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm đổi mới" diễn ra sáng nay, TS Jonathan Pincus, Cố vấn kinh tế cấp cao, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã đưa ra những khuyến nghị để Việt Nam có thể thu hẹp được khoảng cách với các quốc gia phát triển, theo TTXVN.

Theo vị chuyên gia này, bên cạnh việc duy trì tỷ lệ xuất khẩu so với GDP cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, Việt Nam cần giải quyết vấn đề nhập khẩu nhiều sản phẩm đầu vào chất lượng cao để phục vụ xuất khẩu.

TS Jonathan Pincus cũng lưu ý, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đều rất nhỏ. Thêm vào đó, doanh nghiệp tư nhân lớn lại không phải là doanh nghiệp chế biến chế tạo mà là doanh nghiệp bất động sản thông qua đầu cơ đất đai.

Do đó, theo ông, Chính phủ cần tạo ra cơ chế và sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong nước và vốn đầu tư nước ngoài phát triển lớn mạnh.

"Bên cạnh đó Việt Nam cần chuyển hóa tốt hơn từ khâu lập chiến lược, kế hoạch đến khâu triển khai chiến lược, kế hoạch thông qua việc giảm phân mảnh quyền lực trong quá trình thực thi”, TS Jonathan Pincus kiến nghị.

Toàn cảnh hội thảo “Chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế: Kinh nghiệm 35 năm đổi mới,” ngày 26/4. (Ảnh: TTXVN).

Cũng tại buổi hội thảo, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nhấn mạnh qua thực triển khai thực hiện một số chủ trương, chính sách liên quan đến đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cho thấy những kết quả đạt được thể hiện rất rõ, như kinh tế vĩ mô cơ bản đã được ổn định, tăng trưởng kinh tế đạt được những kết quả quan trọng.

Bên cạnh đó, mô hình tăng trưởng cũng đã từng bước được chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu.

Tuy nhiên, ông Hiển cũng chỉ ra việc chuyển sang mô hình tăng trưởng theo chiều sâu thực chất diễn ra còn chậm so với yêu cầu. Đến thời điểm này, mô hình tăng trưởng của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào gồm vốn, lao động, tài nguyên.

Vì vậy, những đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế còn hạn chế và thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực (ở cùng giai đoạn phát triển). Bên cạnh đó, năng suất lao động còn thấp và chênh lệch giữa Việt Nam với các nước đang tiếp tục gia tăng.

“Tăng năng suất lao động thời gian qua chủ yếu do tăng cường vốn đầu tư, sử dụng lao động chi phí thấp và hoạt động kinh tế thông dụng lao động. Ở mức độ nhất định, nền kinh tế vẫn dựa vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài ngày càng tăng,” ông Hiển nói.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng chỉ ra việc cơ cấu lại ba lĩnh vực trọng tâm của nền kinh tế chưa hoàn thành nhiều mục tiêu đề ra. Cụ thể, hiệu quả đầu tư công chưa cao và thực trạng giải ngân vốn còn chậm (nhất là vốn ODA).

Bên cạnh đó, tiến trình thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng diễn ra chậm so với kế. Hơn nữa, công tác này chủ yếu mới dừng lại ở việc sắp xếp thu gọn số lượng, do đó chất lượng quản trị doanh nghiệp chưa được cải thiện.

Điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước còn thấp, khiến cho tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng gặp nhiều khó khăn. Điểm cần lưu ý khác, đó là quá trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước và đơn vị sự nghiệp công còn rất hạn chế đồng thời việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành, lĩnh vực còn chậm.

Theo ông Hiển, khu vực kinh tế tư nhân hiện vẫn chưa đủ lớn mạnh, do đó chưa đáp ứng được vai trò quan trọng của nền kinh tế. Tất cả những yếu tố hạn chế nêu trên liên quan đến việc chuyển đổi thế chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa gặp nhiều vấn đề, do vậy cần tiếp tục được hoàn thiện.

Cũng tại buổi hội thảo, PGS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng cần có những thay đổi cơ bản về nền tảng của nền kinh tế, trong đó phát triển đồng bộ các loại thị trường, đặc biệt là thị trường nguồn lực đầu vào, thị trường đất đai.

Theo ông Thiên việc xây dựng nhà nước kiến tạo phải phát triển theo tinh thần phục vụ thị trường, phục vụ doanh nghiệp, thể chế quản trị phát triển hiện đại, phù hợp các cam kết hội nhập với nguyên tắc “nội lực là quyết định, ngoại lực là quan trọng.”

Đồng tình với ý kiến trên, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhấn mạnh mô hình tăng trưởng và phát triển tại Việt Nam cần tập trung vào vai trò của thị trường, trong một nhà nước kiến tạo-sáng tạo, trọng tâm là chuyển đổi nền “kinh tế nâu” sang “kinh tế xanh.”

Ông Thành cho rằng: "Việt Nam cần hội nhập một cách thông minh với nền kinh tế thế giới."

Về điều này, TS. Trần Đình Thiên khuyến nghị Việt Nam nên tận dụng tối đa lợi thế đi sau đồng thời nỗ lực xây dựng thể chế tốt, khuyến khích đổi mới sáng tạo, coi khoa học công nghệ và trí tuệ con người là động lực phát triển quan trọng nhất của giai đoạn tới.

Phương Trang