|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Giá nhà đất tăng phi mã?: Các nhà đầu tư sau cùng sẽ 'ôm bom'

14:54 | 31/03/2019
Chia sẻ
Điều rủi ro lớn nhất hiện nay là nhiều người biết giá đất tăng ảo nhưng sợ lỡ cơ hội lướt sóng nên vẫn đua nhau xuống tiền. Tất nhiên, những người vào sau cùng chắc chắn sẽ "ôm bom", đối mặt với thua lỗ.
Giá nhà đất tăng phi mã?: Các nhà đầu tư sau cùng sẽ ôm bom - Ảnh 1.

Nếu trước đây tại khu đô thị Golden Hills (Đà Nẵng) có hàng trăm văn phòng "cò" đất vây quanh, thì nay đã "bay" đi hết. (Ảnh: Đình Sơn)

Giá có dấu hiệu quay đầu

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, quản lý sàn giao dịch bất động sản (BĐS) Trung Nam Land, cho biết từ quý 3/2018 đến nay giá đất tại TP.Đà Nẵng đã tăng khoảng 50% so với trước đó. Tuy nhiên, đang có sự nhập nhèm giữa giá trị thực và giá ảo. Đa số khách hàng mua đất rồi đẩy ra cho môi giới bán ngay để ăn chênh lệch, trong khi các nhà đầu tư mua giá đất rẻ trước đó cũng tranh thủ đẩy ra lên cao theo thị trường. Kinh doanh trong lĩnh vực BĐS nhưng rất nhiều doanh nghiệp (DN) lo lắng vì bong bóng có thể xẹp bất cứ lúc nào.

Đúng như lo lắng của bà Mỹ Hạnh, sau một thời gian giá nhà đất như lên đồng, tăng ảo, nhà đầu tư thắng lớn thì khoảng 1 tuần nay giá nhà đất đã có dấu hiệu quay đầu đi xuống sau khi chính quyền TP.Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương mạnh tay dẹp nạn cò đất thổi giá. Hôm qua 28.3, chúng tôi gọi điện cho bà Thanh Thảo, Văn phòng môi giới My Nhung, Khu tái định cư Hòa Liên 5 (TP.Đà Nẵng) để liên hệ mua đất, bà này cho biết, hiện miếng đất mà bà giới thiệu cho chúng tôi hồi đầu tháng 3 rộng 100 m2 với giá 3,1 tỉ đồng đã giảm 100 triệu đồng, chỉ còn 3 tỉ đồng. “Thị trường giảm giá và giảm giao dịch khoảng 1 tuần nay. Lúc này không nên mua nữa vì giá chắc chắn còn giảm”, một môi giới khu vực này khuyên tôi.

Không chỉ tại khu Hòa Liên 5, trên toàn TP.Đà Nẵng giá nhà đất đã quay đầu giảm, kéo theo giao dịch cũng “đóng băng”. Các công ty môi giới, “cò” đất cũng theo đó “biến mất”. Những người đã mua trước đó giờ "ôm bom", chỉ còn biết chờ đợi vào sự may rủi của thị trường.

Tại TP.HCM, sau những ngày giá đất ở H.Cần Giờ lên cơn sốt thì những tháng đầu năm 2019 giá đất chững lại, giao dịch ổn định và có phần trầm lắng so với cùng thời điểm 2018. Ghi nhận thông tin từ một vài sàn môi giới trên địa bàn H.Cần Giờ, giao dịch thật tại khu vực này giảm 40 - 50% so với cùng thời điểm 2018. Giữa năm 2015, chị Yến mua một căn hộ chung cư trên đường Bến Vân Đồn (Q.4) diện tích gần 92 m2 với giá gần 6,5 tỉ đồng. Tới nay bàn giao căn hộ, chị rao bán lỗ 100 triệu đồng so với giá gốc nhưng vẫn chưa có ai mua.

Bà Trần Thị Cẩm Tú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần dịch vụ BĐS Eximrs, nhận xét: Thị trường BĐS tại TP.HCM thời gian gần đây đang giao dịch khá chậm chạp. Việc thổi giá quá cao trước đó là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư thứ cấp đang run sợ không dám bỏ tiền đầu tư tiếp, còn những người có nhu cầu thật thì tài chính không đủ.

Mong thị trường phát triển bền vững

Dù hưởng lợi từ giá đất tăng nhưng ông Huỳnh Hải Sơn, Tổng giám đốc Công ty BĐS Trung Nam, chỉ muốn thị trường phát triển bền vững, muốn tạo một khu đô thị kiểu mẫu với các tiện ích đẳng cấp phục vụ người dân. Tới đây, các dự án của công ty này sẽ xây nhà bán đưa dân vào ở chứ không phải bán nền để nhà đầu cơ lướt sóng, thổi giá làm loạn thị trường. Bởi với thị trường như hiện nay, các nhà đầu tư sau cùng sẽ thiệt hại nặng. Không những thế, nếu sốt đất ảo, các doanh nghiệp phát triển dự án cũng bị ảnh hưởng khi thị trường hình thành các “khu đô thị ma” không người ở như thành phố mới Bình Dương hay TP.Nhơn Trạch (Đồng Nai). Chưa kể doanh nghiệp cũng rất khó để đi đền bù, triển khai được các dự án mới vì giá đất bị đẩy lên quá cao và khó thương lượng với người dân.

Lãnh đạo một công ty môi giới BĐS tại TP.HCM cho biết hiện giá nhà đất đang ở mức quá cao, hơn rất nhiều lần so với thu nhập của người dân. Thị trường BĐS đang hướng đến đối tượng là nhà đầu tư thứ cấp hơn là những người có nhu cầu thật về nhà ở. Đang có một hệ lụy mà các nhà đầu tư, thậm chí cả thị trường phải trả giá là giá nhà đất quá cao đã khiến giao dịch của thị trường chậm đi thấy rõ.

Theo các chuyên gia BĐS, thị trường đang tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, bởi giá nhà đất không thể tăng mãi. Chính vì vậy, những khách hàng thiếu hiểu biết nếu lao vào đầu tư lướt sóng như con thiêu thân, đầu tư bất chấp bằng đòn bẩy tài chính thì có thể "chết" bất cứ lúc nào khi thị trường đổ vỡ.

Đầu tư kinh doanh BĐS giảm mạnh

Ngày 28.3, lãnh đạo UBND TP.HCM cùng các sở ngành đã làm việc với Hiệp hội BĐS TP.HCM (Horea) về tình hình đầu tư kinh doanh BĐS trên địa bàn TP. Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết từ đầu năm đến nay số lượng cấp phép các dự án nhà ở đã giảm 63%.

Các dự án được chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để được công nhận chủ đầu tư giảm mạnh, các dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai cũng giảm. Nếu không có những giải pháp kịp thời tháo gỡ, tình hình sẽ khó khăn nhiều hơn nữa. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Horea, cũng than phiền rằng những tháng đầu năm 2019 nhiều dự án BĐS bị ách tắc do thủ tục hành chính nhiêu khê khiến các doanh nghiệp BĐS vô cùng lo lắng.

Đình Sơn

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.