Giá lương thực thế giới tăng trở lại trong tháng 4
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cũng phát hành dự báo đầu tiên cho sản xuất ngũ cốc toàn cầu trong năm nay, với sản lượng dự báo đạt kỉ lục trong năm 2019 sau khi giảm trong 2018.
Chỉ số giá lương thực của FAO, đo lường sự thay đổi hàng tháng của giỏ hàng hóa gồm ngũ cốc, dầu hạt, sản phẩm từ sữa, thịt và đường, trung bình đạt 170,1 điểm trong tháng trước, tăng so với mức giá đã được điều chỉnh trong tháng 3 là 167,5 điểm.
Số liệu trước khi điều chỉnh của tháng 3 là 167 điểm.
Reuters cho biết, chỉ số trong tháng 4 là mức cao nhất kể từ tháng 6, nhưng vẫn giảm khoảng 2,3% so với một năm trước đó.
Ảnh: Reuters.
Chỉ số giá sữa FAO tăng 5,2% so với tháng 3, đánh dấu tháng tăng thứ 4 liên tiếp, nhờ nhu cầu nhập khẩu bơ, sữa bột nguyên kem và pho mai tăng mạnh.
Giá thịt tăng 3% so với tháng trước, một phần vì giá thịt heo đi lên sau khi nhu cầu nhập khẩu tại châu Á tăng vọt, đặc biệt tại Trung Quốc, nơi sự lây lan của dịch tả heo châu Phi (ASF) đã ảnh hưởng tới thị trường địa phương.
Chỉ số giá đường và dầu thực vật cũng tăng, trong khi chỉ số giá ngũ cốc giảm ,8% so với tháng trước, ghi nhận tháng giảm thứ 4 liên tiếp, với lúa mì dẫn đầu sự sụt giảm khi triển vọng sản lượng mạnh mẽ trong 2019 tác động tới giá.
FAO cho biết chỉ số giá ngũ cốc thường chịu áp lực lượng hàng sẵn có cho xuất khẩu ở mức lớn và thương mại chậm.
Trong báo cáo đầu tiên trong năm 2019, FAO dự báo sản lượng ngũ cốc thế giới sẽ đạt kỉ lục 2,72 tỉ tấn vào năm nay, tăng 2,7% so với 2018, khi sản lượng sụt giảm.
"Trong số những loại ngũ cốc chính, lúa mì, ngô và lúa mạch chiếm phần lớn sự gia tăng về sản lượng, với sự báo tăng lần lượt 5%, 2,3% và 5,4%", FAO cho hay.
Theo FAO, tiêu thụ ngũ cốc toàn cầu dự kiến tăng ít nhất 1,1% trong năm nay, vì dân số thế giới gia tăng, với việc sử dụng ngũ cốc trên toàn cầu ghi nhận tăng 1,5% trong năm 2019 - 2020.
Điều này nghĩa là dự trữ ngũ cốc của thế giới có thể giảm 0,7% xuống 847 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ năm 2015 - 2016.