Giá lúa gạo hôm nay 26/5: Thị trường chững lại, duy trì ổn định trên nhiều giống lúa gạo
Giá lúa gạo hôm nay
Xem thêm: Giá lúa gạo hôm nay 27/5
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (26/5) không biến động. Theo đó, lúa IR 50404 (khô) thu mua với giá là 6.500 đồng/kg, lúa IR 50404 (tươi) duy trì giao dịch trong khoảng 5.400 - 5.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 chững lại với giá 5.800 - 6.000 đồng/kg, Đài Thơm dao động khoảng 5.700 - 5.900 đồng/kg và lúa Nhật giữ nguyên mức 8.000 - 8.500 đồng/kg
Giá các loại lúa OM không đổi so với hôm qua. Trong đó, OM 5451 đang neo ở mốc 5.600 - 5.700 đồng/kg và OM 18 đang giao dịch với giá 5.800 - 5.900 đồng/kg.
Còn với các loại nếp, thương lái tiếp tục thu mua ở mức giá ổn định trong tuần. Cụ thể, nếp AG (khô) dao động trong khoảng 7.700 - 7.800 đồng/kg, nếp Long An (khô) có giá là 7.600 đồng/kg và nếp ruột duy trì khoảng giá là 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 26/5 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Tại chợ An Giang, giá gạo tiếp tục chững lại và thu mua ở mức giá cũ. Trong đó, gạo thường có giá không đổi là 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Nàng Nhen đi ngang với giá 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Sóc thường giữ mức 14.000 đồng/kg và gạo Nhật chững lại tại mốc 20.000 đồng/kg trong ngày đầu tuần.
Tìm hướng đi cho lúa gạo Cà Mau
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Cà Mau, giá cả vật tư nông nghiệp, nhân công tăng cao khiến chi phí sản xuất đội lên từ 30 - 40%, làm giảm sâu lợi nhuận của người nông dân trồng lúa, khả năng cao là không có lãi. Một bộ phận người trồng lúa không còn mặn mà chuyện chăm sóc mùa vụ.
Ông Nguyễn Trần Thức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, cho biết, giá cả vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón hoá học, đang là gánh nặng lớn cho bà con nông dân. Nếu tính theo thời giá vụ hè thu năm nay, phân bón các loại đã tăng gấp đôi so với năm trước, gấp ba lần so với năm 2020.
Ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con sử dụng phân bón tiết kiệm, đúng lịch thời vụ, gia tăng hiệu quả, tuy nhiên, khả năng có lợi nhuận của người trồng lúa năm nay là rất thấp, thậm chí có nguy cơ thua lỗ, theo báo Cà Mau.
Với cách sản xuất truyền thống, chi phí sản xuất chịu tác động lớn bởi giá cả vật tư nông nghiệp, trong khi đó giá trị nông sản chưa tương xứng với công sức nông dân bỏ ra, thị trường bấp bênh. Người trồng lúa thì hoang mang, chưa biết xoay xở thế nào.
Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của các hợp tác xã Nông nghiệp kiểu mới, quy trình sản xuất mới, tạo chuỗi liên kết gia tăng giá trị, xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Cà Mau đã thật sự mở ra lựa chọn mới cho người trồng lúa.
Theo ông Thức, không cách nào khác, bà con nông dân phải thay đổi tư duy, mô hình sản xuất, đặc biệt là hướng sản xuất hữu cơ, làm ra sản phẩm lúa gạo sạch, có thương hiệu, tham gia vào các hợp tác xã có liên kết chuỗi giá trị để vừa thu về lợi nhuận, vừa bảo đảm được sự phát triển bền vững cho ngành lúa gạo.
Vài năm trở lại đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cũng là nơi hỗ trợ một số địa phương xây dựng các hợp tác xã lúa gạo sạch thông qua việc cho bà con tham quan, học hỏi mô hình sản xuất của các hợp tác xã lúa gạo kiểu mới trong khu vực ĐBSCL.
Thực tế đã qua cho thấy, nếu không đổi mới về tư duy, cung cách làm ăn, xây dựng thương hiệu, liên kết theo chuỗi giá trị thì phận người nông dân sẽ mãi truân chuyên, chịu thiệt thòi, rủi ro đủ đường.
“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhau”, đó là thông điệp phát triển mà ngành nông nghiệp Việt Nam gửi gắm. Từ những mô hình HTX lúa gạo kiểu mới tại tỉnh nhà, với những kết quả ấn tượng, nông dân trồng lúa Cà Mau giờ đã có những gợi ý quý giá để có thể thay đổi vận mệnh của mình, để có thể làm giàu từ lúa gạo.