Giá lúa gạo hôm nay 27/5: Duy trì đi ngang trong phiên giao dịch cuối tuần
Giá lúa gạo hôm nay
Tại An Giang, giá lúa hôm nay (27/5) chững lại trên diện rộng. Theo đó, lúa IR 50404 (khô) thu mua với giá là 6.500 đồng/kg, lúa IR 50404 (tươi) duy trì giao dịch trong khoảng 5.400 - 5.500 đồng/kg, Nàng Hoa 9 chững lại với giá 5.800 - 6.000 đồng/kg, Đài Thơm dao động khoảng 5.700 - 5.900 đồng/kg và lúa Nhật giữ nguyên mức 8.000 - 8.500 đồng/kg
Giá các loại lúa OM không có sự thay đổi mới trong hôm nay. Trong đó, OM 5451 đang neo ở mốc 5.600 - 5.700 đồng/kg và OM 18 đang giao dịch với giá 5.800 - 5.900 đồng/kg.
Còn với các loại nếp, thương lái tiếp tục giữ giá thu mua ở mức cũ. Cụ thể, nếp AG (khô) dao động trong khoảng 7.700 - 7.800 đồng/kg, nếp Long An (khô) có giá là 7.600 đồng/kg và nếp ruột duy trì khoảng giá là 14.000 - 15.000 đồng/kg.
Bảng giá lúa gạo hôm nay 27/5 tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở NN&PTNT An Giang)
Tại chợ An Giang, giá gạo ghi nhận không điều chỉnh mới trong tuần qua. Trong đó, gạo thường có giá không đổi là 11.500 - 12.500 đồng/kg, gạo Nàng Nhen đi ngang với giá 20.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài dao động trong khoảng 18.000 - 19.000 đồng/kg, gạo Sóc thường giữ mức 14.000 đồng/kg và gạo Nhật chững lại tại mốc 20.000 đồng/kg trong ngày đầu tuần.
Mô hình vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ tại ĐBSCL mang lại hiệu quả cao
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, trà lúa Hè Thu sớm đã thu hoạch trên 3.800ha, ước năng suất bình quân 6,17 tấn/ha. Hiện tại, diện tích chuẩn bị thu hoạch trên 1.400ha. Diện tích còn lại tập trung giai đoạn đẻ nhánh đến trổ.
Trong điều kiện thời tiết giao mùa, mưa nhiều xen kẽ nắng nóng kết hợp giai đoạn lúa thích hợp cho sâu bệnh phát sinh và gây hại mạnh. Vì vậy, nông dân cần thăm đồng thường xuyên kiểm tra kỹ đồng ruộng để có biện pháp quản lý hiệu quả, đặc biệt đối với bệnh hại như đạo ôn lá, đạo ôn cổ bông, lem lép hạt,…
Khi thấy có dấu hiệu chớm bệnh, bà con ngưng bón phân đạm, xử lý thuốc đặc trị kịp thời, không pha chung với phân bón lá. Phun ngừa đạo ôn cổ bông, lem lép hạt trước khi lúa trổ và sau khi lúa đã trổ đều. Tiếp tục theo dõi, chăm sóc và quản lý tốt những diện tích đã nhiễm bệnh.
Đồng thời, vào mùa mưa, nông dân cần chú ý chuẩn bị cống rãnh thoát nước (hoặc có máy bơm) để kịp thời tháo nước khi gặp mưa to, tránh gây ngập úng cục bộ ảnh hưởng đến năng suất, theo báo Vĩnh Long.
Còn theo báo Long An đưa tin, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp (TTDVNN) tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết mô hình “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao đạt tiêu chuẩn hàng hóa xuất khẩu” vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022, thuộc Đề án “Xây dựng vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao 60.000ha trên địa bàn tỉnh Long An giai đoạn 2021 - 2025”.
Vụ Đông Xuân năm 2021 - 2022, TTDVNN tỉnh phối hợp huyện Tân Hưng và UBND xã Hưng Thạnh xây dựng mô hình tại Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ sản xuất thương mại nông nghiệp Hưng Thành với 16 hộ tham gia sản xuất lúa OM18, quy mô 100ha.
Các giải pháp kỹ thuật được áp dụng: Sạ thưa, giảm giống; sử dụng phân tiết giảm đạm (ure Black); áp dụng chương trình IPM; chương trình không phun thuốc trừ sâu sớm (0 - 40 ngày); quy trình quản lý dịch hại, bảo đảm thời gian cách ly trước thu hoạch; tưới nước tiết kiệm; thu hoạch đúng thời gian, giảm thất thoát;...
Qua tổng kết đánh giá, tình hình sâu, bệnh gây hại nhiễm nhẹ, tỷ lệ thấp, không ảnh hưởng đến năng suất. Về kỹ thuật, lượng giống gieo sạ còn cao, chưa bảo đảm đúng lượng giống khuyến cáo (sạ 100 kg/ha). Số lần phun thuốc bảo vệ thực vật là 7 lần/vụ, thấp hơn 1 lần so với ngoài mô hình.
Mô hình áp dụng quy trình “1 phải, 6 giảm”, sử dụng thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật giúp giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và lợi nhuận cho nông dân. Tham gia mô hình, nông dân được hướng dẫn sản xuất theo quy trình và bao tiêu sản phẩm đầu ra.
TTDVNN tỉnh đề nghị nông dân tiếp tục thực hiện mô hình này ở vụ tiếp theo và bảo đảm lượng giống gieo sạ 80 - 100kg/ha bằng phương pháp sạ hàng, sạ cụm, sạ bằng thiết bị bay không người lái; sử dụng phân hữu cơ để bón lót nhằm tiết giảm phân hóa học; tiếp tục sử dụng thiết bị bay không người lái trong việc phun thuốc bảo vệ thực vật để giảm chi phí sản xuất.