|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá lợn hơi tăng cao, người chăn nuôi e dè khi tái đàn

21:16 | 04/08/2022
Chia sẻ
Thời điểm này, người chăn nuôi ở Đồng Nai đang rất phấn khởi do giá lợn hơi ở mức khá cao, chăn nuôi đã bắt đầu có lợi nhuận, đây cũng là cơ hội để người chăn nuôi khôi phục sản xuất sau dịch bệnh. Tuy nhiên, hiện chi phí vật tư đầu vào, nhất là giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, không mặn mà tái đàn vì lo rủi ro thua lỗ.

Ông Lâm Hồng Thái, xã Thừa Đức, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai cho biết, nửa tháng trước, gia đình ông mới xuất bán 6 tấn lợn với giá 52.000 đồng/kg. Sau đó, giá lợn tiếp tục tăng lên 62.000 đồng/kg, chỉ trong 1 tuần, giá lợn hơi đã tăng lên 10.000 đồng/kg. Hiện tại, trong chuồng nhà ông Lâm Hồng Thái còn gần 100 con lợn sắp xuất chuồng. Với giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí ông lãi khoảng 1.3 triệu đồng/con, ông đang tích cực chăm sóc và hy vọng thắng lớn ở lứa lợn này.

Theo ông Lâm Hồng Thái, sau khi trải qua 2 năm dịch bệnh, so với giá lợn hơi năm ngoái, giá bán năm nay khiến cho người chăn nuôi rất phấn khởi. Đây cũng được xem là lứa lợn “bù lỗ” cho những lứa trước đã phải bán với giá thấp. Tuy nhiên sau lứa lợn này gia đình ông không dám tăng đàn, tái đàn nhiều vì ông lo lắng nhiều rủi ro dịch bệnh có thể xảy ra, nên chỉ dám tái đàn ít để cầm chừng.

Một nguyên nhân nữa cũng khiến hiện nay các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai dè dặt trong chuyện tái đàn, tăng đàn phục vụ cho thị trường cuối năm là do chi phí vật tư đầu vào, nhất là giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng cao.

Ông Bùi Thái Thảo, hộ chăn nuôi lợn xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ cho biết, vừa rồi giá lợn hơi tăng cao nên nông dân ở đây cũng phấn khởi. Tuy nhiên hiện giá thức ăn chăn nuôi đang ở mức cao nên nhiều người dân cũng hạn chế việc tái đàn. Để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới, gia đình ông cũng chỉ tái đàn với số lượng nhỏ.

“Để tiết kiệm chi phí, thay vì mua thức ăn chăn nuôi sẵn ở bên ngoài, thì chúng tôi sẽ mua ngô, chuối về trộn làm thức ăn để giảm giá thành, chứ cho ăn thức ăn công nghiệp giá cao quá nông dân chịu không nổi”, ông Bùi Thái Thảo chia sẻ.

Ông Ngô Hữu Phụng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ cho biết, hiện nay đang là thời điểm lý tưởng để người chăn nuôi tập trung tái đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không khuyến khích phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ mà tập trung trang trại quy mô có tổng đàn lớn. Vì đối với những trang trại lớn có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, cơ sở vật chất đảm bảo, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty lớn, như vậy mới có thể phát triển chăn nuôi bền vững, lâu dài.

Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho hay, hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống và các chi phí khác đều tăng cao, nguy cơ ảnh hưởng bởi dịch bệnh vẫn rất lớn nên giá thành nuôi lợn hiện bị đẩy lên khá cao. Với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không chủ động được nguồn giống, giá thức ăn chăn nuôi, đầu ra không ổn định, nguy cơ thua lỗ lớn, nên thời điểm này họ hầu như không mặn mà tái đàn dù đây là thời điểm tái đàn, tăng đàn cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán, mùa tiêu thụ lớn nhất trong năm.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh là hơn 2,3 triệu con; trong đó, chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90%, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm gần 10% tổng đàn. Đồng Nai định hướng đến năm 2030 sẽ phát triển chăn nuôi lợn theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất và đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn.

Lê Xuân