Giá heo hơi tiến sát mức hòa vốn, nông dân vẫn dè dặt tái đàn
Dịch tả heo châu Phi (ASF) đã trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng với người dân tại huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk. Trong 6 tháng qua, bệnh dịch tả heo Châu Phi đã xuất hiện tại 9 xã, thị trấn khiến 452 con heo bị nhiệm bệnh phải tiêu huỷ, theo VOV.
Chưa kịp hoàn hồn sau dịch tả heo châu Phi, người nuôi ở đây lại hứng chịu thêm đợt giảm giá kỷ lục 2 năm khiến nhiều hộ chăn nuôi chưa dám tái đàn.
Dù giá heo hơi đang dao động 45.000 – 52.000 đồng/kg, bật tăng 15.000 – 22.000 đồng chỉ sau một tuần, tiến sát với mức hòa vốn song động thái này chưa đủ động lực cho nông dân vượt qua cú sốc.
So với những năm trước, người chăn nuôi thường chọn tái đàn vào giai đoạn này để xuất chuồng đúng dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, năm nay nhiều hộ chăn nuôi rất thận trọng khi tái đàn.
Ông Lê Văn Hoàn, người nuôi heo ở tỉnh Đắk Lắk cho biết sau khi đàn heo nái 34 con bị tiêu huỷ bởi bệnh dịch tả heo Châu Phi gây thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, ông đã khử trùng chuồng nuôi để tái đàn gỡ gạc thiệt hại.
Tuy nhiên, thời điểm này giá heo hơi đang xuống thấp, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao nên phải tạm ngưng vì nuôi tiếp sẽ lỗ.
"Giờ một bao cám lên thêm 70.000 đến 100.000 đồng. Trước con heo chỉ ăn khoảng 2,5 - 3 triệu đồng tiền cám thì xuất được, còn bây giờ ăn đến 3,7 - đến 3,8 triệu thậm chí heo tồn đọng phải ăn đến 4 triệu đồng.
Một con heo như nhà tôi không phải giống mua lỗ từ 1,5 - 2 triệu đồng. Tái đàn trong thời điểm này rất là khó khăn và kiệt quệ, giá thị trường thì quá rẻ không nhìn thấy triển vọng", ông Hoàn nói.
Ông Nguyễn Quang Đức, Trạm trưởng trạm Chăn nuôi và thú y huyện Cư M'gar cho rằng, nguyên nhân khiến việc phục hồi đàn heo chậm là do nguồn giống khó khăn, thiếu vaccine phòng chống dịch tả heo châu Phi và quan trọng hơn là giá thịt heo đang xuống quá thấp.
"Để tái đàn thì các chuồng trại phải đủ điều kiện. Khi mua con giống về nuôi phải mua ở vùng an toàn dịch, và có nguồn gốc cụ thể rõ ràng. Khi mua, xuất bán thì phải thực hiện việc tiêu độc, sát trùng, đặc biệt thương lái vận chuyển động vật.
Nếu đàn heo có dấu hiệu bất thường cần báo ngay với cơ quan thú ý để có giải pháp xử lý kịp thời", ông Đức khuyến cáo.
Bà Thân Thiều Lệ Quyên, người nuôi heo ở tỉnh Đắk Lắk cho biết gia đình có trang trại nuôi hơn 1.000 con heo nhưng đang phân vân không biết nên bán hay giữ. Bởi, nếu bán, người nuôi chỉ đủ tiền thuê nhân công và trả tiền điện, còn nếu kéo dài không bán, mỗi ngày có thể lỗ hàng chục triệu đồng.
"Đợt vừa rồi dịch COVID-19 kéo dài nên gây khó khăn rất lớn cho người chăn nuôi. Do không có xe vận chuyển vì dịch, đàn heo vừa rồi phải gần 7 tháng rồi mới xuất, thay vì khoảng 5 tháng như bình thường.
Trong 3 tháng đó, chúng tôi phải trả tiền công, tiền điện nên lợi nhuận không còn bao nhiêu hết. Mà giá heo hơi thì hạ, so với heo hơi và cám người chăn nuôi lỗ rất là nhiều", bà Quyên chia sẻ.
Tại Hà Tĩnh, thủ phủ heo miền Trung, dịch tả heo châu Phi đã tái bùng phát, lây lan ra 18 xã, phường, thị trấn của 9 huyện.
Trả lời báo Hà Tĩnh, ông Trần Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết: "Nếu tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã tiêu hủy 15.000 con heo mắc dịch tả heo Châu Phi. Hiện nay, tỉnh vẫn còn 15 ổ dịch chưa qua 21 ngày", ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, tổng đàn heo của Hà Tĩnh hiện nay là 383.000 con, trong đó 58% tổng đàn thuộc quy mô trang trại và 42% tổng đàn thuộc quy mô nông hộ.
Hiện nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao ở quy mô nông hộ bởi người dân chưa thực hiện đúng các biện pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Đặc biệt, Hà Tĩnh đang bắt đầu vào mùa mưa bão nên càng làm tăng nguy cơ tái bùng phát dịch tả heo châu Phi tại các địa phương.
Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 20/10, cả nước xảy ra 1.900 ổ dịch tả heo châu Phi tại 56 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 143.080 con heo.
Trong đó có 671 ổ dịch tại 182 huyện của 43 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Dịch bệnh chủ yếu xảy ra tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa bảo đảm được điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học.
Kể từ tháng 8 đến nay, dịch bệnh có chiều hướng gia tăng, tổng đàn heo phải tiêu hủy lên đến 19.102 con.
Cục Thú y cho rằng người dân không nên hoang mang vì đến nay Việt Nam vẫn kiểm soát tốt dịch ASF.
Tuy nhiên, người nuôi cần chú ý chỉ tái đàn, tăng đàn heo tại cơ sở chăn nuôi heo chưa bị dịch ASF hoặc tại cơ sở có bệnh nhưng đã qua 21 ngày. Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp an toàn sinh học.