|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Dự báo giá heo hơi dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng nhưng khó thể lập đỉnh 100.000 đồng/kg

08:06 | 26/10/2021
Chia sẻ
"Dự báo giá heo hơi sẽ khôi phục mức 60.000 - 70.000 đồng/kg nhưng khó lập đỉnh 100.000 đồng/kg vì cơ cấu tổng đàn hiện nay đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước từ nay đến đầu năm 2022", ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết.

Giá heo hơi sẽ tăng nhưng không chạm đỉnh 100.000 đồng/kg

Trong những ngày qua, giá heo hơi bất ngờ tăng trở lại. Xin ông có thể cho biết yếu tố nào giúp giá heo hơi hồi phục sau khi chạm đáy 2 năm?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Thực chất, giai đoạn tháng 7 – 9, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội, trong đó có Hà Nội và TP HCM. Nhà hàng, bếp ăn tập thể, trường học đều đóng cửa, thu nhập người dân giảm khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo giảm 30 – 50%.

Sức tiêu thụ yếu dẫn đến tồn đọng 30% đàn heo quá lứa, tương đương 1,5 triệu con. Sau khi đạt 120 kg trở lên, đàn heo chủ yếu ăn và tích mỡ, khối lượng heo càng lớn, giá càng giảm. Có thời điểm, giá heo rớt mạnh xuống còn 30.000 – 35.000 đồng/kg.

Trong khi, chu kỳ nuôi của một con heo rất dài, từ con heo cai sữa thành heo sinh sản cần 8 tháng, phối giống 4 tháng, nuôi thịt 5 – 6 tháng mới có sản phẩm. Như vậy, để có heo thịt cần 17 – 18 tháng.

Sau khi các tỉnh thành nới lỏng giãn cách xã hội, nhu cầu bắt đầu phục hồi, kèm theo những chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ ngành nên quá trình lưu thông thuận lợi hơn, đẩy giá heo tăng lên 35.000 – 45.000 đồng/kg.

Thậm chí, nhiều địa phương thương lái đã thu mua giá 46.000 – 49.000 đồng/kg. Xu hướng giá heo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.

Đà tăng này có bền vững và kéo dài đến cuối năm, thưa ông?

Dự báo giá heo hơi dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng nhưng không thể lập đỉnh 100.000 đồng/kg - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi. (Ảnh: Báo Nông nghiệp Việt Nam)

Ông Nguyễn Văn Trọng: Hiện nay, tổng đàn heo vẫn duy trì 28 triệu con trong đó có gần 3 triệu nái. Với cơ cấu này, nước ta có thể chủ động nguồn thực phẩm cho dịp cuối năm, Tết Nguyên đán Nhâm Dần với điều kiện kiểm soát tốt dịch bệnh ở người và động vật. 

Trong điều kiện Tết sẽ có những biến động về giá vì nhu cầu tăng 12 -15%, ở thời điểm đó người dân có thể xuất chuồng non thì vẫn đủ cung cấp cho ngày Tết.

Khi nhu cầu tiêu thụ tăng lên, giá heo sẽ trở về vị trí ban đầu. Do đó, cần tạo điều kiện về vốn cho người dân duy trì đàn vật nuôi, tái đàn, tăng đàn heo.

Hiện, dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp. Xin ông có thể dự báo giá heo hơi sẽ ở mức bao nhiêu và việc lập đỉnh 100.000 đồng/kg vào dịp Tết Nguyên đán có khả thi?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Việt Nam cơ bản kiểm soát tốt dịch tả heo châu Phi. Do đó, giá heo hơi sẽ khôi phục mức 60.000 - 70.000 đồng/kg nhưng khó lập đỉnh 100.000 đồng/kg vì cơ cấu tổng đàn hiện nay đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước từ nay đến đầu năm 2022.

Tuy nhiên, nếu có những đột biến COVID-19 xảy ra như trong tháng 7, 8 thì không thể nói trước được điều gì.

Sản xuất theo chuỗi để cân bằng lợi ích

Sự chênh lệch giá heo hơi và giá thịt heo gây bức xúc trong dư luận. Thưa ông, nút thắt ở đây là gì và Cục Chăn nuôi có những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Trong thời gian vừa qua, giá heo hơi chạm đáy 30.000 – 35.000 đồng/kg nhưng giá thịt heo trong siêu thị, chợ nội thành TP HCM, Hà Nội vẫn ở mức cao.

Cụ thể, nếu giá thịt heo ở nông thôn chỉ có giá 80.000 – 90.000 đồng/kg vì không phải vận chuyển xa thì giá thịt heo ở siêu thị nội thành tăng gấp đôi.

Mức chênh lệch này khiến cả người sản xuất và người tiêu dùng đều chịu thiệt. Nguyên nhân là trong giai đoạn chống dịch COVID-19, việc lưu thông khó khăn, chi phí xét nghiệm tăng cao khiến nhiều thương lái ở nội thành lợi dụng thời cơ, tăng giá trục lợi. Điều này chứng tỏ khâu vận chuyển, lưu thông đang có vấn đề tắc.

Mới đây, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ ngành rà soát các khâu, thu hẹp khoảng cách giữa giá xuất chuồng và giá tiêu dùng để hài hòa lợi ích cho người sản xuất – phân phối -  tiêu dùng. Chỉ khi 3 khâu này cân bằng lợi ích, ngành chăn nuôi mới phát triển bền vững theo hướng chuỗi giá trị.

Dự báo giá heo hơi dịp Tết Nguyên đán sẽ tăng nhưng không thể lập đỉnh 100.000 đồng/kg - Ảnh 2.

Chăn nuôi theo chuỗi là giải pháp cân bằng lợi ích 3 khâu sản xuất - phân phối - tiêu dùng. (Ảnh: Gazette)

Nhiều năm qua, chúng ta chỉ ra được bất cập trong chênh lệch giá heo hơi và thịt heo nhưng tại sao đến nay, chúng ta vẫn loay hoay, thiệt hại vẫn đổ lên người chăn nuôi và người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Muốn hài hòa 3 khâu phải sản xuất theo chuỗi. Hiện, Việt Nam còn khoảng 2 triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa vào chuỗi.

Đặc thù là kế hoạch chăn nuôi hoàn toàn bị động, sản xuất theo phong trào, lúc giá heo cao thì nuôi nhiều, giá heo rẻ lại bỏ chuồng, dẫn đến tình trạng mất cân đối cung cầu.

Muốn tham gia vào chuỗi, bản thân các hộ nhỏ lẻ phải có liên kết ngang thành tổ hợp tác, hợp tác xã, trong đó đại diện tổ chức này sẽ làm việc với doanh nghiệp về kế hoạch sản xuất, thu mua. Điều này giúp cả doanh nghiệp và hộ chăn nuôi hạn chế rủi ro.

Điều này cần sự vào cuộc từ các Bộ ngành, địa phương thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị, gỡ được nút thắt giữa 3 khâu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phải đưa đội ngũ thương lái vào hệ thống quản lý, coi họ là đối tác đồng hành. Thương lái cũng có nhiều cái khó, nói họ trục lợi liệu có oan?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Thương lái có vai trò quan trọng trong chuỗi chăn nuôi với điều kiện họ phải có hợp đồng liên kết với trang trại, nông dân.

Hiện nay, các liên kết giữa các khâu rất rời rạc, khâu nào độc lập khâu ấy, chưa hợp đồng thành chuỗi. Các cá thể phải có sự liên kết ngang chứ doanh nghiệp không thể làm được tất cả những việc ấy.

Ví dụ như chuỗi xuất khẩu thịt gà sang Nhật có doanh nghiệp Bel Gà cung cấp giống, Hùng Nhơn chăn nuôi, Dehus cung cấp thức ăn, Koyu & Unitek phụ trách giết mổ, chế biến, xuất khẩu.

Thương lái nằm trong khâu trung gian liên kết doanh nghiệp và cơ sở chăn nuôi. Nếu liên kết này rời rạc, thương lái sẵn sàng ép giá lúc giá thấp, mua tranh lúc giá cao.

Trong bối cảnh cơ chế thị trường, kể cả thương lái cũng cần có hợp đồng dài hạn hoặc doanh nghiệp liên kết bao tiêu cho nông dân qua tổ hợp tác, hợp tác xã.

Khi có hợp đồng, người dân chủ động về việc tái đàn, thay thế đàn, tạo ra chu trình sản phẩm đều đặn, không thừa, không thiếu, đảm bảo cân đối cung cầu.

Ở đây, tôi không kết luận giá heo giảm tại khâu nào. Song khâu trung gian là khâu phức tạp, dễ xảy ra ép giá, tăng giá nhất.

Vậy, thưa ông 16 doanh nghiệp có vai trò điều phối thị trường như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Trọng: Hiện chưa có doanh nghiệp nào có đủ cơ cấu để có thể điều tiết thị trường nhưng dù sao các doanh nghiệp này cũng có tác động rất lớn bởi tổng đàn khoảng 6 triệu con heo, chiếm 23 – 24% tổng đàn heo thịt cả nước.

Doanh nghiệp đóng vai trò trọng tâm của chuỗi sản xuất. Nếu doanh nghiệp kiểm soát được giống, thức ăn, sản xuất, lưu thông, phân phối, tiêu dùng thì sẽ có điều kiện bình ổn khi giá heo biến động mạnh.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Phạm Mơ