Giá heo hơi giảm mạnh, Trung Quốc kích hoạt kho dự trữ thịt heo
Theo ông Zhang Yu, thương nhân Trung Quốc cho biết giá heo hơi giảm sâu do cung vượt cầu, việc tiêu thụ chậm.
"Hiện nay, nếu người dân bán một con heo dưới 150 kg, số tiền thu lại quá ít, không đủ mua một con heo giống. Với giá hiện tại, chắc chắn người chăn nuôi sẽ thua lỗ", ông Zhang nói.
Bên cạnh đó, dịch tả heo châu Phi bùng phát ở nước này khiến nhiều nông dân cố gắng giữ và vỗ béo đàn heo với hy vọng giá heo hơi sẽ phục hồi. Tuy nhiên, nhiều con heo nặng hơn 150 kg, xếp vào dạng quá khổ, thừa cân.
Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc, giá thịt heo tại Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng đầu thế giới, đã giảm hơn 54% kể từ giữa tháng 1, chạm mức 21,5 nhân dân tệ/kg (3,4 USD/kg) vào đầu tháng 6.
Để giảm sự biến động về giá heo và ổn định sản xuất, Chính phủ nước này tuyên bố sẽ cải thiện việc giám sát thị trường và kích hoạt kho dự trữ thịt heo.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia (NDRC) cho biết họ sẽ bắt đầu theo dõi số lượng heo nái sinh sản trong một đàn và giá thịt heo bán lẻ trung bình ở các thành phố lớn.
NDRC cũng tính toán tỷ lệ tiêu thụ ngũ cốc của heo, cụ thể là lấy giá heo hơi chia cho chi phí mua ngô để phản ánh chi phí sản xuất của người chăn nuôi
Đồng thời, cơ quan này cho biết sẽ kích hoạt hệ thống kho dự trữ thịt heo, thông qua hệ thống này để quan sát biến động thị trường, điều tiết giá cả và có những cảnh báo đến người chăn nuôi.
Được thành lập lần đầu tiên vào năm 1979, kho dự trữ thịt của Trung Quốc được xây dựng giúp Chính phủ nước này ứng phó với các trường hợp khẩn cấp gây ra biến động bất thường trên thị trường.
NDRC sẽ tăng lượng thịt heo dự trữ và thiết lập quỹ dự trữ tạm thời để điều tiết giá bằng cách mua vào khi giá heo thấp và bán ra khi giá cao.
Theo ông Pan Chenjun, một nhà phân tích tại Rabobank, giá thịt heo bán buôn ở Trung Quốc giảm mạnh do dịch tả heo châu Phi bùng phát, người dân ồ ạt bán tháo. Dịch ASF xuất hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 2018, tàn phá đàn heo và khiến giá thực phẩm tăng đột biến trong giai đoạn 2019 - 2020.
"Việc theo dõi đàn heo nái sẽ là một chỉ báo tốt để dự báo nguồn cung heo hơi trong những tháng tới", ông Pan nói.
Bên cạnh đó, ông Cao Hui, nhà phân tích thị trường của Sublime China Information (SCI) cho biết, nông dân đang có xu hướng bán tháo đàn heo khi giá thịt heo giảm và nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng cũng giảm do thời tiết nắng nóng.
Theo các nhà phân tích, giá thịt heo giảm ảnh hưởng đến hàng triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, đối tượng nuôi hơn 50% tổng đàn heo của nước này.
Ông Feng Yonghui, nhà phân tích, trưởng ngành thịt Soozhu.com cho biết: "Sau khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, chi phí chăn nuôi của toàn ngành đã tăng mạnh".
Các nhà phân tích cho biết nguyên nhân khiến giá heo biến động trong thời gian qua phần lớn là quy trình chăn nuôi. Đặc biệt, quy trình chăn nuôi kém, chưa đảm bảo an toàn sinh học ở nông hộ nhỏ lẻ, khả năng sản xuất và quản lý không tốt bằng các trang trại lớn.
"Năng lực sản xuất không ổn định của chăn nuôi nông hộ sẽ làm tăng nguy cơ biến động giá cả thị trường. Đây cũng là vấn đề cốt lõi trong chu kỳ chăn nuôi heo, ông Cao nói.
Theo Yang Xidi, Giám đốc điều hành của Yunnan Kunzhou, thị phần bán lẻ của nông dân đã bị thu hẹp kể từ dịch tả heo châu Phi bùng phát, giá thịt heo giảm khiến nhiều người bỏ thị trường.
Ông Yang nói: "Cơ chế giá bình ổn mới chủ yếu nhắm vào những hộ nông dân nhỏ lẻ. Vì cũng giống như các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên thị trường chứng khoán, lựa chọn đầu tư của họ thường không hợp lý.
Do đó, Chính phủ cần hướng dẫn và có nhiều chính sách với người chăn nuôi nông hộ hơn so với các trang trại lớn".