|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá gạo tăng cao, nguồn cung cạn kiệt có thể buộc Philippines cho phép nhập lậu gạo

07:37 | 27/08/2018
Chia sẻ
Nguồn cung gạo tại Philippines vẫn thấp, mặc dù gạo từ Cơ quan Lương thực Quốc gia (NFA) đã được phân bổ trên thị trường nội địa, khiến giá gạo thương mại duy trì ở mức cao.
gia gao tang cao nguon cung can kiet co the buoc philippines cho phep nhap lau gao Giá gạo xuất khẩu Việt Nam duy trì không đổi tuần thứ ba liên tiếp

Theo bà Olma Bayno, cán bộ thông tin của NFA, việc đưa gạo NFA vào thị trường đã không bình ổn được giá gạo thương mại.

"Có thể vì việc cung cấp (gạo NFA) đã bị trì hoãn và không đủ khiến giá gạo thương mại không bị ảnh hưởng, bất chấp sự có mặt của gạo NFA trên thị trường", bà Bayno nói.

Dựa trên báo cáo gần đây, cơ quan này nhận thấy, giá gạo thương mại đã tăng 1 - 2 peso/kg.

Bà Bayno cũng cho biết, nguồn cung gạo thương mại đang cạn kiệt.

“NFA đã kiểm tra kho của các thương nhân tư nhân ở Dumaguete, Bohol và Cebu vì cho rằng có thể đang diễn ra tình trạng tích trữ gạo. Tuy nhiên, dựa trên lượng tồn kho của chúng tôi, hiện họ có ít nguồn cung gạo thương mại”, bà phát biểu.

Ngoài ra, bà nói thêm, lạm phát cũng góp phần làm tăng giá gạo thương mại.

gia gao tang cao nguon cung can kiet co the buoc philippines cho phep nhap lau gao
Ảnh: cebudailynews

Buộc phải cho phép gạo nhập lậu tràn vào thị trường

Vì nguồn cung thiếu hụt, kéo giá gạo tăng cao, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Philippines, ông Manny Pinol, chính phủ có thể buộc phải cho phép nhập khẩu gạo trái phép ở Tawi-Tawi và Sulu.

Theo ông Pinol, sự thành công trong việc ngăn chặn gạo nhập lập đã dấn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung tại các khu vực Zamboanga, Basilan, Sulu and Tawi-Tawi (ZAMBASULTA).

"Đối với một tỉnh từ lâu nổi tiếng là điểm đến của gạo nhập lậu từ Malaysia, Tawi-tawi không bao giờ có vấn đề với nguồn cung gạo. Giá gạo tại đây được bán ở mức thấp, khoảng 34 peso/kg. Tuy nhiên, khi tuyến đường buôn lậu bị đóng cửa cách đây một tháng, người dân Tawi-tawi buộc phải xếp hàng để mua gạo với giá lên tới 100 peso/kg ngay sau ngày lễ Eid Al Fitr, đánh dấu sự kết thúc của tháng ăn chay”, ông Pinol nói.

Tawi-Tawi nằm ở cuối phía tây của đất nước, ngay bên kia biên giới với Malaysia.

Trong nhiều thế hệ, giá hàng hóa ở hai tỉnh Sulu và Tawi-Tawi đã giảm vì các mặt hàng nhập lậu có chi phí thấp hơn so với mặt hàng được bán hợp pháp.

Ông Pinol cũng chỉ ra một trường hợp khác ở thành phố Zamboanga khi giá gạo đạt mức cao chưa từng có vì chính phủ thắt chặt việc kiểm soát gạo nhập lậu. Tuần trước, giá gạo tại đây đã lên tới 70 peso/kg, sau khi nguồn cung NFA cạn kiệt, buộc chính quyền địa phương phải tuyên bố tình trạng thiên tại.

Mặc dù cuộc khủng hoảng gạo đã được tuyên bố kết thúc tại thành phố Zamboanga với sự xuất hiện của nguồn gạo mới từ các hợp tác xã nông dân được Bộ Nông nghiệp ở Mindanao và NFA hỗ trợ, nguồn cung gạo tại Basilan, Sulu và Tawi-tawi vẫn rất hạn chế.

Trong khi đó, thời gian không có nhiều vì nguồn cung gạo của Tawi-tawi chỉ duy trì trong 15 ngày, còn Sulu chỉ có khoảng 10 ngày. Vì vậy, lựa chọn duy nhất của các quan chức địa phương là cho phép nối lại các hoạt động buôn lậu gạo trong khu vực, theo ông Pinol.

Ngoài ra, NFA cũng sẽ yêu cầu nhập khẩu thêm khoảng 500.000 tấn gạo, có thể duy trì đến tháng 12. NFA đã nhập khẩu 25.000 tấn gạo từ Việt Nam và Thái Lan đến cảng quốc tế Cebu hồi tháng 6 năm ngoái.

Tháng 2 năm ngoái, NFA đã ngừng cung cấp gạo NFA cho các nhà bán lẻ, do thiếu nguồn cung.

Xem thêm

Lyly Cao