|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá điện tăng 50 lần trong gần nửa năm, ông lớn ngành thép tại Anh gặp khó

16:57 | 22/09/2021
Chia sẻ
Hãng thép lớn thứ hai của Anh cảnh báo rằng giá điện "đang vượt ngoài tầm kiểm soát", từ đó đẩy công ty này vào cảnh sản xuất không có lãi trong giờ cao điểm.

Giá điện tăng, ngành thép than khó

Gần đây, British Steel - nhà sản xuất thép lớn thứ hai tại Anh và thuộc sở hữu của tập đoàn công nghiệp Trung Quốc Jingye, đã lên tiếng cảnh báo rằng giá điện đang tăng "vượt ngoài tầm kiểm soát" và gây ảnh hưởng đến hoạt động luyện thép của công ty.

Cụ thể, British Steel cho biết giá điện niêm yết vào các khung giờ cao điểm trong ngày có thể đạt tối đa là 2.500 bảng Anh (tương đương hơn 3.400 USD)/megawatt giờ, trong khi mức trung bình vào tháng 4 năm nay là khoảng 50 bảng Anh/MWh.

Ban lãnh đạo cho biết British Steel vẫn đang duy trì sản lượng "ở mức bình thường", nhưng kêu gọi chính phủ Anh và Văn phòng Thị trường Điện và Khí đốt (Ofgem) cần phải tạo sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp trong nước cạnh tranh với các đối thủ châu Âu.

"Chúng tôi gặp bất lợi lớn so với nhiều đối thủ châu Âu, vì giá điện của họ rẻ hơn nhiều. Giá điện tăng theo cấp số nhân như hiện nay đang làm nới rộng khoảng cách giữa chúng tôi và các đối thủ, đặc biệt là khi mức tăng ở Anh rõ rệt hơn nhiều khu vực khác của châu Âu", British Steel nhấn mạnh.

Giá điện tăng 50 lần trong gần nửa năm, ông lớn ngành thép tại Anh gặp khó - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Reuters).

Luyện thép vốn là một ngành tiêu thụ nhiều năng lượng. Tiền điện có thể chiếm tới 20% chi phí chuyển đổi nguyên liệu thô thành thép. Tuần trước, Hiệp hội Thép của Anh (UK Steel) cho biết một số nhà sản xuất đã tạm ngừng vận hành trong một số giờ cao điểm.

Financial Times dẫn lời ông Gareth Stace, Giám đốc Điều hành của UK Steel, cho rằng giá điện giao ngay vượt mốc 1.000 bảng Anh/MWh là "dấu hiệu cho thấy thị trường năng lượng đang trục trặc".

"Giá điện bán buôn ở Anh đã tăng gấp 4 lần, có nghĩa là dù giá thép toàn cầu nhảy vọt, doanh nghiệp chế biến thép có thể không có lãi tại một số thời điểm nhất định", ông Grace bày tỏ.

Giảm năng lực cạnh tranh so với châu Âu

Một phân tích gần đây của UK Steel chỉ ra rằng, sự chênh lệch giữa giá điện mà các công ty luyện thép của Đức và Anh phải trả đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 8 tháng. Theo hiệp hội này, các nhà sản xuất thép tại Anh phải trả thêm 35 bảng Anh/MWh so với các đối thủ ở Đức.

Ông Luis Sanz, CEO chi nhánh Anh của hãng thép Tây Ban Nha Celsa, chia sẻ rằng giá điện tăng nóng đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Ông nói: "Giá điện tăng đột biến vài tháng qua, cụ thể là hơn 50 lần so với bình thường, đang khiến ngành của chúng tôi khó khăn hơn. Thậm chí, có nguy cơ những doanh nghiệp tốt phải ngừng sản xuất hoặc chịu thiệt hại tài chính nếu tiếp tục vận hành".

Ngành thép đã nhiều lần kêu gọi London giảm giá điện, trong đó có đề xuất tăng thời gian miễn thuế đối với điện tái tạo. Ngoài thép, một số ngành tiêu thụ nhiều điện năng khác cũng bày tỏ lo ngại về giá điện.

Hiệp hội Công nghiệp Hóa chất Anh nhấn mạnh rằng chính phủ cần phải giải quyết "những bất cập mà các nhà sản xuất Anh phải đối mặt để duy trì năng lực cạnh tranh".

Bất chấp những lời cảnh báo của ngành thép, một nhà phân tích cho rằng giá điện tăng cao không phải là thách thức dài hạn. Người này giải thích: "Đó không phải vấn đề lâu dài, hơn nữa các hãng thép vẫn có thể hưởng lợi nhờ giá thép cao kỷ lục, miễn là họ có thể tiếp tục sản xuất".

Bộ Kinh doanh, Năng lượng và Chiến lược Công nghiệp Anh cho biết, vướng mắc của các doanh nghiệp nội địa khi giá khí đốt biến động mạnh cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng một ngành năng lượng tái tạo bền vững ngay tại Anh, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

"Chúng tôi quyết tâm đảm bảo một tương lai cạnh tranh cho ngành thép nước Anh và trong những năm gần đây cũng đã cung cấp hỗ trợ thiết thực, trong đó có 600 triệu bảng Anh để giúp giảm thiểu chi phí điện năng và duy trì việc làm tại các nhà máy thép", bộ này nói thêm.

Khả Nhân

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.