|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu thô chạm mức thấp nhất 15 tháng, Trung Quốc đang là động lực duy nhất của thị trường

11:06 | 20/03/2023
Chia sẻ
Nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 1 và tháng 2, nhưng dự kiến ​​sẽ tăng vào cuối năm nay, trong đó riêng với mặt hàng dầu thô có thể chạm mốc kỷ lục ngay cả khi Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Theo trang Oilprice, nền kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình phục hồi trở lại và nhiều người dự báo rằng sự phục hồi này sẽ đồng nghĩa với việc nhu cầu tăng lên thúc đẩy giá dầu. 

Tiêu dùng hộ gia đình, hoạt động nhà máy và chi tiêu cơ sở hạ tầng đều tăng trong hai tháng đầu năm cho thấy quốc gia nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới đã bắt đầu quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19. Nhưng sự không chắc chắn trong nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ làm suy yếu nhu cầu xuất khẩu ra các thị trường khác ngoài Trung Quốc. 

Các chuyên gia phân tích cho biết bất chấp khởi đầu chậm chạp những tháng đầu năm 2023, nhập khẩu mặt hàng năng lượng của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng vào cuối năm nay, nhu cầu dầu sẽ phục hồi và đưa mức tiêu thụ dầu toàn cầu lên mức cao kỷ lục. 

Trong bối cảnh lo ngại về suy thoái kinh tế do lãi suất tăng và làn sóng bán tháo trên thị trường tài chính trong tuần trước, rấy lên lo ngại thị trường dầu mỏ cũng bị ảnh hưởng, câu hỏi chính đối với các nhà phân tích là liệu mức tăng nhập khẩu và nhu cầu dầu thô dự kiến của Trung Quốc có đủ làm động lực giúp giá dầu tăng hay không?

Giá dầu thô giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng trong tuần qua do những biến cố ở một loạt ngân hàng Mỹ và Châu Âu.  

 Số liệu: Investing (H.Mĩ tổng hợp) 

Nhập khẩu năng lượng của Trung Quốc đã giảm mạnh trong tháng 1 và tháng 2, nhưng dự kiến ​​sẽ tăng vào cuối năm nay, trong đó riêng với mặt hàng dầu thô có thể chạm mốc kỷ lục ngay cả khi Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.    

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đạt trung bình 10,4 triệu thùng mỗi ngày (bpd) trong hai tháng đầu năm 2023, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2022, theo dữ liệu hải quan của nước này. 

Mức nhập khẩu dầu thô yếu hơn một phần có thể là do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào cuối tháng 1.

Dữ liệu kinh tế chính thức mới nhất của Trung Quốc  trong tuần trước cho thấy doanh số bán lẻ đã tăng 3,5% trong tháng 1 và tháng 2 so với mức của năm trước, sau khi giảm 1,8% vào tháng 12 năm 2022. Sản lượng công nghiệp cũng tăng trong hai tháng đầu năm 2023 so với một năm trước đó, và đầu tư cơ sở hạ tầng tăng 9% khi chính phủ tăng chi tiêu để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, nhu cầu dầu thô phục hồi khi nền kinh tế Trung Quốc hoạt động bình thường trở lại đã đẩy sản lượng dầu thô tại các nhà máy lọc dầu  tăng 3,3%  trong hai tháng đầu năm. 

Cả OPEC và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đều kỳ vọng Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu toàn cầu lên mức cao kỷ lục trong năm nay.  

Trong Báo cáo thị trường dầu hàng tháng (MOMR), OPEC cho biết việc mở cửa trở lại của Trung Quốc sẽ tạo thêm động lực cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời chỉnh tăng dự báo  tăng trưởng nhu cầu dầu của quốc gia này. 

Nhu cầu dầu của Trung Quốc dự kiến ​​đạt trung bình 15,56 triệu thùng/ngày vào năm 2023, tăng 710.000 thùng/ngày so với năm ngoái, theo ước tính mới nhất của OPEC. Con số này cao hơn mức tăng trưởng 590.000 thùng/ngày dự kiến ​​trong báo cáo tháng trước.

Trong báo cáo hàng tháng, IEA cho biết thị trường dầu mỏ sẽ chuyển từ dư thừa nguồn cung trong nửa đầu năm 2023 sang  thâm hụt vào cuối năm do sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc sẽ thúc đẩy dầu mỏ toàn cầu.

IEA cho biết : “Việc tồn kho thời gian gần đây tăng lên sẽ giảm bớt căng thẳng khi thị trường chuyển sang thâm hụt trong nửa cuối năm do Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đẩy nhu cầu dầu thế giới lên mức kỷ lục”.

H.Mĩ