|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trung Quốc có thể nhập khẩu lượng dầu thô kỷ lục trong năm 2023

11:36 | 22/02/2023
Chia sẻ
Theo Reuters, Trung Quốc được dự báo ​​sẽ nhập khẩu một lượng dầu thô kỷ lục vào năm 2023 do người dân đi du lịch nhiều hơn sau khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát COVID-19 khiến nhu cầu nhiên liệu tăng lên. Đồng thời, các nhà máy lọc dầu mới đi vào hoạt động cũng sẽ thúc đẩy nhập khẩu nhiên liệu thô này.

Nhu cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19

Triển vọng nhu cầu năng lượng tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ là yếu tố thúc đẩy giá dầu thô trong thời gian tới, bên cạnh việc OPEC và các nước đồng minh (OPEC+) cắt sản lượng và lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với dầu xuất khẩu từ Nga. 

Lượng dầu mỏ mà Trung Quốc nhập khẩu có thể tăng khoảng 500.000 - 1 triệu thùng/ngày trong năm 2023 lên 11,8 triệu thùng/ngày, đảo ngược xu hướng liên tục giảm trong vòng 2 năm qua và vượt ngưỡng kỷ lục thiết lập hồi năm 2022 là 10,8 triệu thùng, theo giới chuyên gia đến từ các công ty tư vấn: Wood Mackenzie, FGE, Energy Aspects và S&P Global Commodity Insight.

 Nguồn: Reuters tổng hợp từ Hải quan Trung Quốc và dự báo của các chuyên gia

Những dự báo này phù hợp với nhận định mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế.

Kể từ khi dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát COVID-19 vào tháng 12, nhu cầu về xăng và nhiên liệu máy bay của Trung Quốc đã tăng lên.

Sun Jianan, một nhà phân tích tại Energy Aspects cho rằng xăng và nhiên liệu máy bay sẽ lần lượt chiếm khoảng 50% và 30% tổng mức tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu lỏng. Mức tiêu thụ nhiên liệu máy bay phản lực sẽ đạt 90% mức trước thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19 vào cuối năm 2023.

Nhà phân tích Mia Geng đến từ công ty FGE và ông Sun cùng cho rằng nhu cầu về dầu diesel  và nguyên liệu hóa dầu naphtha, có thể tăng chậm hơn do những lĩnh vực sản xuất và bất động sản của Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian để phục hồi. 

“Các chính sách kích thích kinh tế cùng với việc mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2023 sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi nhu cầu dầu diesel”, ông Wang Zhuwei, nhà phân tích tại S&P Global Commodity Insight cho biết.

Với mức tiêu thụ trong nước tăng và những tiềm năng ở thị trường xuất khẩu, bốn công ty tư vấn cho rằng ​​các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc tăng sản lượng dầu thô 850.000 - 1,2 triệu thùng/ngày so với năm 2022, tương đương với mức tăng trưởng 6% - 9%.

Năm ngoái, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc cho biết lần đầu tiên kể từ năm 2001, sản lượng lọc dầu giảm.

Công ty tư vấn Trung Quốc Longzhong cho biết các nhà máy lọc dầu nhà nước đã nâng công suất trong tuần đầu tiên của tháng 2 thêm 5,5% so với tháng 1 lên mức trung bình 74,5% công suất thiết kế.

Một lãnh đạo của công ty dầu mỏ quốc doanh có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết: “Chúng tôi đã cố gắng tối ưu hóa hoạt động của mình trong tháng 1 và tháng 2, do tỷ suất lợi nhuận đã được cải thiện nhờ chi phí dầu thô thấp hơn và doanh số bán xăng phục hồi mạnh mẽ”.

Nhiều nhà máy lọc dầu mới được xây dựng 

Các nhà phân tích cho biết , ngoài việc đáp ứng nhu cầu trong nước ngày càng tăng, các nhà máy lọc dầu cũng sẽ được khuyến khích tăng cường hoạt động xuất khẩu và cung cấp thêm nguyên liệu cho ngành hóa dầu.

Hai nhà máy lọc dầu là Hóa dầu Quảng Đông của PetroChina và Hóa dầu Shenghong của Giang Tô với tổng công suất 520.000 thùng/ngày - dự kiến ​​sẽ đi vào hoạt động thương mại trong những tháng tới.

Một nhà máy lọc dầu mới thứ ba có công suất 400.000 thùng/ngày do Shandong Yulong Petrochemical xây dựng, cũng có thể bắt đầu nhập khẩu dầu thô để chạy thử nghiệm vào cuối năm 2023, theo nguồn tin riêng của Reuters. 

Đối với tất cả yếu tố tăng giá, các nhà phân tích đã trích dẫn một số lý do để thận trọng với dự báo nhu cầu.

Nhà phân tích Lin Yitian của Woodmac cho biết: “Các hộ gia đình có xu hướng tiết kiệm trong thời kỳ đại dịch dẫn đến việc giải phóng nhu cầu bị dồn nén, và có thể họ sẽ vẫn cảnh giác về nền kinh tế, đặc biệt là trong ngắn hạn. Đồng thời, cũng có những “cơn gió ngược” từ bên ngoài, vì triển vọng kinh tế toàn cầu yếu sẽ gây áp lực lên lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc”.

Giới phân tích cho biết các rủi ro khác bao gồm khả năng bùng phát trở lại các ca nhiễm COVID và sự không chắc chắn về chính sách xuất khẩu nhiên liệu của Trung Quốc.

H.Mĩ