|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá dầu, kim loại, nông sản đều lên cao, thị trường hàng hóa đã bước vào siêu chu kỳ?

06:52 | 27/02/2021
Chia sẻ
Giá nhiều loại hàng hóa như dầu thô, đồng, đậu nành liên tục lập đỉnh nhiều năm trong bối cảnh chính phủ các nước mạnh tay kích thích kinh tế sau phong tỏa. Nhiều chuyên gia nhận định đây có thể là giai đoạn đầu của một chu kỳ tăng giá kéo dài nhiều năm.

1. Siêu chu kỳ là gì?

Theo Bloomberg, siêu chu kỳ là hiện tượng nhu cầu hàng hóa tăng mạnh bất thường tới mức nguồn cung không theo kịp, khiến cho giá cả đi lên liên tục trong nhiều năm liền, hay thậm chí là nhiều thập kỷ liền. 

Đối với những nhà phân tích kỳ cựu, đợt tăng giá hiện nay gợi lại những ký ức về siêu chu kỳ hàng hóa trong giai đoạn Trung Quốc vươn mình trở thành một siêu cường kinh tế vào đầu thập niên 2000.

Giá dầu, kim loại, nông sản đồng loạt lên cao, có phải thị trường hàng hóa bước vào siêu chu kỳ? - Ảnh 1.

Giá nhiều loại hàng hóa đang tăng cao. (Ảnh minh họa: Daily Maverick).

Thị trường hàng hóa đã trải qua ba siêu chu kỳ khác trong thế kỷ 20. Lần đầu tiên là vào thập niên 1900 khi Mỹ bắt đầu công nghiệp hóa. Lần thứ 2 là vào thập niên 1930 khi nhiều quốc gia xây dựng lực lượng vũ trang, chuẩn bị chiến tranh. Lần thứ 3 là vào thập niên 1950 và 1960 khi châu Âu và Nhật Bản tập trung tái thiết sau Thế chiến II.

2. Siêu chu kỳ gần đây nhất diễn ra thế nào?

Từ khoảng năm 2002, Trung Quốc bước vào một giai đoạn tăng trưởng kinh tế thần tốc nhờ liên tục đầu tư hạ tầng hiện đại và lập ra các thành phố với quy mô siêu to khổng lồ. Các nhà cung cấp không đáp ứng đủ nhu cầu tài nguyên thiên nhiên ngày một lớn của đất nước tỷ dân.

Đối với thị trường hàng hóa, việc gia tăng năng lực cung ứng tại nơi có nhu cầu không hề dễ dàng vì các hoạt động như thăm dò giếng dầu, mở mới mỏ than thường không thể được làm xong trong ngày một, ngày hai.

Trong hơn một thập kỷ, nguồn cung các loại nguyên liệu đầu vào bao gồm quặng sắt tương đối thấp so với cầu. Giá kim loại đồng trong phần lớn thập niên 1990 chỉ khoảng 2.000 USD/tấn, sau đó đã vượt mốc 10.000 USD. Giá dầu thô cũng nhảy vọt từ 20 USD/thùng lên 140 USD.

3. Ai cho rằng hiện nay là khởi đầu của một siêu chu kỳ?

Các nhà phân tích tại JPMorgan Chase và Goldman Sachs nằm trong nhóm những người lạc quan về xu hướng thị trường.

Theo JPMorgan, đợt tăng giá hàng hóa này sẽ là một câu chuyện như kiểu thập niên 1920 tăng trưởng thần tốc ở Mỹ, các nền kinh tế hồi phục mạnh mẽ hậu đại dịch nhờ chính sách tài khóa và tiền tệ siêu nới lỏng.

Ngoài ra, giá hàng hóa cũng có thể sẽ tăng vì một hệ quả không ngờ tới của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nguồn cung dầu sẽ bị hạn chế trong khi nhu cầu kim loại để xây dựng hạ tầng năng lượng tái tạo, sản xuất pin và xe điện sẽ tăng vọt. Các kim loại cần dùng bao gồm cả cobalt và lithium.

Bên cạnh đó, hàng hóa thường được coi là một công cụ rào chắn tác động của lạm phát – một nhân tố đang khiến ngày càng nhiều nhà đầu tư lo ngại.

4. Những người phản đối nói gì?

Phân tích các xu hướng dài hạn hơn cho thấy giá một số loại hàng hóa sẽ hạ nhiệt. Chẳng hạn, quá trình chuyển đổi năng lượng dẫn tới việc gia tăng ứng dụng các kim loại xanh như đồng sẽ phải phụ thuộc vào sự thoái trào của dầu mỏ. 

Ngay cả các nhà khai thác quặng sắt cũng dự báo giá sẽ giảm dần theo thời gian khi nhu cầu ở Trung Quốc đi xuống và các mỏ mới bắt đầu đóng góp vào nguồn cung.

Theo Bloomberg, triển vọng của ngành than thậm chí còn ảm đạm hơn, nhiều công ty khai thác đang tính đến chuyện bỏ nghề vì thế giới liên tục hạn chế sử dụng loại nhiên liệu gây ô nhiễm này. 

Quặng sắt, than đá và dầu thô là những đối tượng hưởng lợi chính của quá trình mở rộng công nghiệp tại Trung Quốc. Quy mô của các thị trường này bỏ xa đồng kim loại.

5. Chuyện gì đang xảy ra với dầu?

Giá dầu sụp đổ trong năm 2020, thậm chí có lúc xuống dưới 0. Tuy nhiên sau đó, thị trường dầu đã hồi phục đầy ấn tượng khi nhu cầu quay trở lại mạnh mẽ hơn dự kiến.

Giá dầu, kim loại, nông sản đồng loạt lên cao, có phải thị trường hàng hóa bước vào siêu chu kỳ? - Ảnh 2.

Đầu năm 2021, Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và đồng minh đang giữ lại khoảng 10% tổng cung dầu toàn cầu. Các yếu tố căn bản của thị trường đã thay đổi, đặc biệt là tại Mỹ vì sự phổ biến của dầu đá phiến.

Các nhà khai thác dầu truyền thống "ngán" nhất cảnh giá dầu cao trong một thời gian dài sẽ khuyến khích nhiều người đổ xô đi khai thác và làm tăng nguồn cung vượt xa tầm kiểm soát của OPEC.

Mặc dù vậy, một số nhà phân tích vẫn lạc quan về triển vọng thị trường dầu mỏ. Goldman Sachs cho rằng giá dầu có thể lên 75 USD/thùng ngay trong năm nay. Bank of America và Socar Trading SA thì tin tưởng giá dầu sẽ vượt 100 USD thùng trong vòng vài năm tới.

6. Giá những loại hàng hóa nào đang tăng?

Đầu năm 2021, giá đồng tăng mạnh khi chính phủ các nước ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng xe điện. Goldman Sachs, BlackRock, Citigroup và Bank of America đều dự đoán giá kim loại này sẽ sớm lên đỉnh lịch sử.

Giá dầu, kim loại, nông sản đồng loạt lên cao, có phải thị trường hàng hóa bước vào siêu chu kỳ? - Ảnh 3.

Giá các loại nông sản như đậu nành và ngô thời gian qua cũng lập đỉnh nhiều năm, một phần nhờ vào lực mua mạnh mẽ của Trung Quốc khi nước này gắng sức tái đàn heo sau dịch ASF. Theo Bloomberg, giá nông sản phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng kinh tế và dân số toàn cầu, còn giá kim loại lại biến động theo xu hướng khử carbon.