‘Giá đất Vân Phong tăng từ 200.000 lên hơn 27 triệu đồng/m2, gấp 135 lần chỉ trong 2 năm’
Sau nhiều tháng tăng phi mã, cơn sốt đất nền đang có xu hướng chững lại ở hầu hết tỉnh thành |
Tại “Diễn đàn Bất động sản 2018: Cơ hội từ chính sách” vừa được tổ chức, ông Phạm Thanh Hưng, Phó Chủ tịch CTCP Tập đoàn Thế kỷ CEN Group cho biết mới khảo sát chi tiết tại Vân Phong (Khánh Hòa) và ghi nhận: một mảnh đất tại thị trấn Tuần Lễ với mặt tiền 10 m2, diện tích khoảng 200 m2 có giá bán cách đây 2 năm khoảng 40 – 50 triệu đồng (tức chỉ 200.000/m2); năm ngoái mảnh đất này giá đã lên đến 400 triệu đồng (gấp 10 lần) và đến nay khi được hỏi thì giá là 5 tỷ rưỡi (đắt gấp hơn 130 lần mức giá của hai năm trước).
“Toàn thị trấn nay chỉ có khoảng 3.000 hộ dân, đất giao dịch mua đi bán lại gần đây chỉ xoay quanh của 3.000 hộ dân đó. Còn 111.000 ha đất nằm trong quy hoạch thì chưa biết ở đâu, cũng chưa có dự án nào ra hàng ở đây. Từ năm 2006 có chủ trương làm đặc khu, 2009 có quy hoạch sơ bộ, đến 2017 có điều chỉnh và 2018 chuẩn bị phê duyệt, chúng ta chưa nhìn thấy bất cứ sản phẩm BĐS nào để đáp ứng cơn khát của thị trường. Chính vì việc quy hoạch quá chậm nên không cung được nguồn hàng ra thị trường, khan cung khiến giá đất lập tức tăng cao”, ông Phạm Thanh Hưng nhận định.
Các khách mời đều cho rằng quyết định tạm ngưng giao dịch đất tại đặc khu tương lai là giải pháp ngắn hạn, còn lâu dài phải tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường. (Ảnh: Hiếu Quân) |
Tương tự với Vân Đồn, câu chuyện phong phanh nghe đâu đó có quy hoạch trong khi nguồn cung không có thì việc tăng giá là dễ hiểu. Lãnh đạo CEN Group cho rằng cần minh bạch một số khu vực đã có quy hoạch rồi thì tốt hơn là để thị trường tự xoay sở như hiện nay...
Về quyết định tạm dừng các giao dịch đất ở đặc khu kinh tế tương lai, ông Hưng nêu quan điểm: chúng ta rất cố gắng để tuân thủ các quy luật khách quan của thị trường. Trong kinh tế thị trường, quy luật cung – cầu rất quan trọng, điều tiết toàn bộ hành vi giá cả, luồng tiền của nhà đầu tư.
“Nếu quý vị chưa mua được đất thì muốn giá thấp để có cơ hội mua, nhưng khi quý vị mua được rồi thì đương nhiêu lại muốn đất lên giá. Như vậy, quy luật cung cầu sẽ quyết định tất cả. Nếu nguồn cung đủ, cân bằng với cầu thì sẽ đạt được sự bình ổn nhất định, nếu thiếu hoặc thừa thì đều sẽ ảnh hưởng. Trạng thái cân bằng này là cân bằng động, chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và rất mong manh. Nếu thiếu hàng, người ta bổ sung hàng lại thừa, thừa thì rút lại lại thiếu... Đó là quy luật hình sin của không chỉ thị trường BĐS mà còn của cả thị trường vàng, chứng khoán... Vì các thị trường không biến thiên song song nên có thể khi chứng khoán lên thì BĐS xuống và ngược lại, nhà đầu tư phải lựa chọn khi nào mua vào, khi nào thì rút tiền đầu tư”, ông nói.
Ví “hạnh phúc là cái chăn chật hẹp”, ông Hưng không kết luận việc giá đất tăng đột biến là tốt hay không tốt bởi tùy theo từng góc độ mà đánh giá. Có cái tốt cho một số ít người nhưng lại không tốt cho đại bộ phận công chúng, có thể tốt cho nhà đầu tư nhưng lại không tốt cho chính sách thu thuế của Nhà nước...
Cũng đưa ra ý kiến về quyết định tạm dừng giao dịch tại đặc khu nói trên, ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc KOSY Group khẳng định rất ủng hộ quyết định tạm dừng giao dịch để tạm ngưng cơn sốt của thị trường.
Ông Cường lý giải: “Ví dụ như giờ người đầu tư gom đất giá 40 – 50 triệu đồng/m2, nhưng sau đền bù chỉ 1 – 2 triệu đồng/m2 thôi thì thiệt hại trực tiếp. Phần lớn các nhà đầu tư đất đặc khu hiện tại làm đầu tư theo phong trào, trong khi đất tại 3 khu vực này hầu hết là đất của dân, khi chưa rõ quy hoạch mà giá đất đã bị đẩy lên. Sau này nếu khu vực đó quy hoạch thành công viên thì chủ đất chỉ được đền bù theo đơn giá Nhà nước thôi, lúc đó dễ lại xảy ra khiếu kiện”.
Tuy nhiên, về lâu dài khi thị trường đã phát triển ổn định hơn thì chúng ta phải tuân thủ đúng các quy tắc của thị trường.
Ngược lại, ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch HĐQT CTCP Reenco Sông Hồng lại coi việc giá đất đặc khu tương lại bị đẩy lên cao là điều đáng mừng, là cơ hội cho các nhà đầu tư và việc tạm ngưng giao dịch không phải là giải pháp tốt.
Ông Điệp giải thích rằng: “Nhà đầu tư trong nước sẽ “làm mồi” cho nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nhỏ “làm mồi” cho doanh nghiệp lớn. Thị trường có quy luật cung cầu, giá bị đẩy lên thì thị trường phải chấp nhận. Giao dịch càng nhiều thì Nhà nước càng thu được nhiều tiền thuế, chỉ cần quản lý chặt về mặt pháp lý mà thôi”.
Các khu kinh tế mở của ta đang phát triển rất chậm so với thế giới. Nhà nước không đủ tiềm lực để đầu tư hạ tầng của toàn khu này vì lượng tiền cần rất lớn. Giá đất tăng đẩy giá trị đặc khu lên rất cao và xét về vĩ mô đây là điều rất có lợi, không thể vì một số nhỏ lẻ mà chúng ta đưa ra chính sách ảnh hưởng đến thị trường. Tạm ngưng giao dịch có thể là giải pháp tạm thời nhưng về lâu dài thì không nên làm như vậy, ông Điệp nhận xét.