|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giá đất hiếm toàn cầu vẫn trong xu hướng giảm

01:00 | 20/07/2024
Chia sẻ
Giá đất hiếm thế giới đã giảm khoảng 20% trong năm qua, do hoạt động sản xuất quá mức ở Trung Quốc đã gây ra tình trạng dư cung.

 

(Ảnh minh hoạ: Bloomberg).

 

Giá đất hiếm thế giới đã giảm khoảng 20% trong năm qua, do hoạt động sản xuất quá mức ở Trung Quốc đã gây ra tình trạng dư cung.

Trong nỗ lực tăng cường kiểm soát đối với ngành công nghiệp đất hiếm quốc gia, Chính phủ Trung Quốc, vào tháng 6/2024, đã đưa ra một bản danh sách các quy định bảo vệ nguồn cung kim loại quan trọng về mặt kinh tế này.

Các quy định, do Hội đồng Nhà nước ban hành và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10, nhấn mạnh tài nguyên đất hiếm thuộc về Nhà nước.Nhưng bất chấp những nỗ lực kiểm soát chặt chẽ hơn của Chính phủ đối với ngành công nghiệp đất hiếm, thị trường vẫn trong tình trạng ảm đạm.

Theo công ty Argus Media, khoáng chất neodymium, một trong những nguyên tố đất hiếm, vào hôm 11/7, được định giá thấp hơn 23% so với giá trung bình của tháng 7/2023, trong khi giá một loại đất hiếm khác là dysprosi đã giảm 24% trong khoảng thời gian tương tự.

Chỉ số giá do Hiệp hội Công nghiệp Đất hiếm Trung Quốc công bố cũng cho thấy xu hướng đi xuống. Dựa trên dữ liệu giao dịch từ các công ty đất hiếm, giá của kim loại quan trọng này đã giảm tổng cộng khoảng 20% kể từ cuối tháng 7/2023 tính đến ngày 18/7/2024.

Đất hiếm được sử dụng chủ yếu trong nam châm hiệu suất cao, dùng cho động cơ xe điện và tua-bin gió. Có 17 kim loại được gọi chung là nguyên tố đất hiếm, trong đó, neodymium là vật liệu từ tính, còn dysprosium và terbium giúp cải thiện khả năng chịu nhiệt của nam châm.

Mặc dù, nhu cầu về đất hiếm dự kiến sẽ tăng lên trong dài hạn, khi quá trình chuyển đổi năng lượng ngày càng diễn ra mạnh mẽ, nhưng giá của khoáng chất này vẫn trong xu hướng giảm, do sản lượng khai thác tiếp tục tăng ở Trung Quốc.

Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin cùng với Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc chịu trách nhiệm phân bổ hạn ngạch khai thác cho các nhà sản xuất đất hiếm trong nước.

Trong nửa đầu năm nay, hạn ngạch khai thác đất hiếm được cấp cho các công ty Trung Quốc đã lên tới 135.000 tấn, tăng 12,5% so với một năm trước đó.

Vài năm gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã liên tục tăng hạn ngạch khai thác đất hiếm. Việc tăng sản lượng được cho là nhằm mục đích sử dụng loại khoáng sản quan trọng này làm công cụ thương lượng ngoại giao của Trung Quốc.

Tuy nhiên, cục diện thị trường đang thay đổi. Mỹ đã mở rộng sản xuất đất hiếm trong nước, để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung của Trung Quốc. Các quốc gia khác cũng đang thực hiện các bước đi tương tự.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, Trung Quốc chiếm 80% sản lượng đất hiếm toàn cầu vào đầu những năm 2010. Đến năm 2023, tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 70%.

Sản lượng đất hiếm toàn cầu đạt 350.000 tấn vào năm 2023, tăng gấp ba lần so với năm 2013. Nói cách khác, đất hiếm ít "hiếm" hơn trước đây.

Diệu Linh

Dow Jones tăng 400 điểm, Russell 2000 chạm đỉnh lịch sử sau khi ông Trump chọn Bộ trưởng Tài chính
Cổ phiếu tiếp tục vọt tăng sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump quyết định chọn ông Scott Bessent làm Bộ trưởng Tài chính. Ông Bessent được kỳ vọng sẽ đưa ra những chính sách có lợi cho thị trường chứng khoán và hạn chế các chính sách bảo hộ của ông Trump.