Giá cao su hôm nay 6/12: Tăng mạnh trên các sàn giao dịch do lo ngại nguồn cung sụt giảm tại Thái Lan
Cập nhật giá cao su thế giới
Giá cao su đã đồng loạt tăng trên các sàn giao dịch khi các nhà đầu tư đánh giá tác động của phán quyết về Quy định phá rừng của Liên minh châu Âu và nguồn cung tại Thái Lan dự kiến sụt giảm do mưa lớn gây lũ lụt ở phía Nam của nước này.
Chốt phiên giao dịch ngày 6/12, giá cao su RSS 3 giao tháng 3/2025 tại Sở Giao dịch Osaka (OSE) Nhật Bản tăng 1,8% (6,7 yen/kg) so với phiên giao dịch trước, lên mức 378,4 yen/kg. Đây cũng là mức giá cao nhất đạt được kể từ ngày 25/10.
Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (SHFE) - Trung Quốc, giá cao su tự nhiên hợp đồng giao tháng 1/2025 cũng tăng 1,5% (275 nhân dân tệ/tấn), đạt 18.725 nhân dân tệ/tấn.
Còn tại Thái Lan, giá cao su RSS 3 hợp đồng giao tháng 1/2025 tăng 1,1%, lên mức 85,8 Baht/kg.
Ngày 3/12, EU đã nhất trí trì hoãn một năm việc triển khai luật chống phá rừng. Quyết định này được đưa ra sau những tranh cãi kéo dài giữa các nước thành viên, Nghị viện châu Âu và Ủy ban châu Âu. Thỏa thuận đồng thuận xác định thời điểm luật có hiệu lực sẽ là ngày 30/12/2025 đối với các công ty lớn và ngày 30/6/2026 đối với các doanh nghiệp nhỏ
Các nhà đầu tư giữ thái độ thận trọng trước hội nghị công tác kinh tế trung ương diễn ra vào tuần tới, có thể cung cấp định hướng chính sách của Trung Quốc.
Cơ quan khí tượng Thái Lan, quốc gia sản xuất cao su lớn nhất thế giới, đã cảnh báo về các trận mưa lớn có thể gây ra lũ quét từ ngày 5-6 tháng 12, đồng thời khuyến cáo rằng “nông dân nên chuẩn bị cho những thiệt hại về cây trồng”, theo Reuters.
Trong khi đó, theo Cơ quan Quản lý Cao su Thái Lan (RAOT), sản lượng cao su của Thái Lan dự kiến sẽ giảm hơn 300.000 tấn trong vòng một tháng rưỡi tới do ảnh hưởng bởi mưa lớn và lũ lụt.
RAOT cho biết tình trạng mưa liên tục đã gây ra lũ lụt ở nhiều tỉnh phía Nam, và tình trạng này có thể kéo dài đến cuối tháng 12. Nhiều đồn điền cao su tại các tỉnh như Songkhla, Satun, Pattani, Yala, Narathiwat, Nakhon Si Thammarat, Phatthalung và Trang đã bị ảnh hưởng, khiến hoạt động khai thác mủ cao su bị đình trệ trong thời gian này.
Dựa trên diện tích 5.327.928 rai đã khai thác và được đăng ký với RAOT ở 8 tỉnh trên, ước tính mỗi ngày sản lượng bị giảm khoảng 3 kg/rai.
Trong thời gian một tháng rưỡi (với tần suất khai thác cách ngày, tương đương khoảng 20 ngày khai thác thực tế), sản lượng cao su bị ảnh hưởng và giảm cung ra thị trường dự kiến tổng cộng hơn 319.676 kg, tương đương khoảng 320.000 tấn.
Tình trạng lũ lụt tại các tỉnh phía Nam, bao gồm cả khu vực trồng cao su, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thu hoạch. Điều này có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt sản lượng cao su hoặc không đáp ứng đủ nhu cầu trên thị trường cao su trong tương lai.
Cập nhật giá cao su trong nước
Tại trong nước, giá cao su tăng nhẹ so với ngày hôm qua sau chuỗi ngày giảm hoặc đi ngang.
Theo đó, Công ty Cao su Bà Rịa đang báo giá thu mua mủ nước ở mức 437 – 447 đồng/TSC, tăng 5 đồng/TSC. Ngoài ra, mủ đông DRC (35 - 44%) tăng 100 đồng/kg, lên 13.300 đồng/kg; mủ nguyên liệu tăng 100 – 200 đồng/kg, dao động trong khoảng 16.500 - 17.800 đồng/kg.
Các công ty khác vẫn duy trì giá ổn định. Công ty Cao su Mang Yang niêm yết giá thu mua mủ nước trong khoảng 434 – 438 đồng/TSC, mủ đông tạp từ 387 - 441 đồng/DRC.
Còn tại Công ty Cao su Phú Riềng, giá thu mua mủ tạp ở mức 415 đồng/DRC, mủ nước là 455 đồng/TSC.