Giá cao su hôm nay 3/12: Bật tăng mạnh khi nguồn cung đối mặt với nguy cơ gián đoạn
Cập nhật giá cao su thế giới
Giá cao su đồng loạt tăng trên các sàn giao dịch do lo ngại thời tiết bất lợi tại các quốc gia sản xuất chính gây gián đoạn nguồn cung toàn cầu và một loạt dữ liệu kinh tế khả quan từ Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ hàng đầu.
Chốt phiên giao dịch ngày 3/12, giá cao su RSS 3 giao tháng 3/2025 tại Sở Giao dịch Osaka (OSE) Nhật Bản đạt 373 yen/kg, tăng 0,9% (3,3 yen/kg) so với phiên giao dịch trước.
Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (SHFE) - Trung Quốc, giá cao su tự nhiên hợp đồng giao tháng 1/2025 tăng mạnh 2,8% (495 nhân dân tệ/tấn) so với phiên giao dịch trước, đứng ở mức 18.485 nhân dân tệ/tấn.
Ngược lại, giá cao su RSS 3 hợp đồng giao tháng 12 tại Thái Lan tiếp tục tăng 1,4%, lên mức 84,94 Baht/kg.
Triển vọng nguồn cung vẫn bị hạn chế bởi điều kiện thời tiết bất lợi tại các khu vực sản xuất chính ở Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan và Malaysia. Mưa lớn và lũ lụt kéo dài dự kiến sẽ tiếp tục, có khả năng làm trầm trọng thêm sự gián đoạn sản xuất.
Cơ quan khí tượng Thái Lan đã cảnh báo về những trận mưa lớn đến rất lớn có thể gây ra lũ quét ở khu vực phía Nam nước này từ ngày 3 đến ngày 5/12. Đồng thời cho biết, từ ngày 25/11 đến ngày 1/12, khu vực miền Nam Thái Lan đã trải qua "lượng mưa lớn gần như cả tuần," dẫn đến "lũ lụt kéo dài ở nhiều nơi".
Còn tại Trung Quốc, theo Tân Hoa Xã, lũ lụt đã ảnh hưởng đến một số khu vực sản xuất, khiến việc thu hoạch ở vùng sản xuất tại Vân Nam bị ngưng trệ, đẩy giá nguyên liệu thô tăng trở lại.
"Dự báo giá cao su trong ngắn hạn sẽ duy trì ở mức cao, và cần chú ý đến tác động của những thay đổi thời tiết sau đó đối với nguồn cung nguyên liệu thô," Tân Hoa Xã nhận định thêm.
Dữ liệu sản xuất lạc quan và kỳ vọng về chính sách hỗ trợ từ Bắc Kinh đã thúc đẩy thị trường chứng khoán tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới.
Chỉ số PMI sản xuất toàn cầu Caixin/S&P đạt mức cao nhất trong năm tháng vào tháng 11, vượt qua dự báo của các nhà phân tích. Số liệu này phù hợp với một cuộc khảo sát chính thức trước đó, cho thấy hoạt động sản xuất đạt mức cao nhất trong bảy tháng.
Trong khi đó, đồng yen Nhật hồi phục mạnh trong thời gian gần đây, dù giảm nhẹ vào thứ ba, nhưng vẫn ở gần mức đỉnh sáu tuần so với đồng USD. Các nhà giao dịch ngày càng tin tưởng rằng Nhật Bản có thể tăng lãi suất vào cuối tháng 12.
Đồng yen yếu hơn khiến tài sản tính bằng đồng tiền này trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài, theo Reuters.
Cập nhật giá cao su trong nước
Tại trong nước, giá cao su tiếp tục chuỗi ngày đi ngang.
Công ty Cao su Bà Rịa báo giá thu mua mủ nước ở mức 432 – 442 đồng/TSC, mủ đông DRC (35 - 44%) có giá 13.200 đồng/kg; mủ nguyên liệu dao động 16.400 - 17.600 đồng/kg.
Công ty Cao su Mang Yang niêm yết giá thu mua mủ nước trong khoảng 434 – 438 đồng/TSC, mủ đông tạp từ 387 - 441 đồng/DRC.
Còn tại Công ty Cao su Phú Riềng, giá thu mua mủ tạp ở mức 415 đồng/DRC, mủ nước là 455 đồng/TSC.
Ngày 29/11, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD – VCCI) đã tổ chức Lễ công bố các Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam 2024 với chủ đề “Doanh nghiệp vươn mình trong Kỷ nguyên Xanh”.
Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) có 14 công ty trong Top 100 Doanh nghiệp Bền vững Việt Nam. Đặc biệt, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh nằm trong Top 10 Doanh nghiệp bền vững lĩnh vực sản xuất.
14 đơn vị thành viên VRG nằm trong Top 100 Doanh nghiệp bền vững năm 2024 gồm: Cao su Chư Păh, Cao su Chư Prông, Cao su Lộc Ninh, Cao su Bến Thành, TCT Cao su Đồng Nai, Cao su Dầu Tiếng, Cao su Bình Long, Cao su Phước Hòa, Cao su Đồng Phú, Cao su Phú Riềng, Cao su Tây Ninh, Cao su Chưmomray, Gỗ MDF VRG Kiên Giang, Gỗ Thuận An.