|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su hôm nay 24/9: Giá thu mua trong nước tăng theo thị trường thế giới

12:29 | 24/09/2024
Chia sẻ
Giá cao su hôm nay tăng trở lại trên sàn giao dịch Osaka và Thượng Hải do lo ngại triển vọng nguồn cung toàn cầu. Ở trong nước, Công ty Cao su Phú Riềng đã điều chỉnh giá mủ nước tăng 25 đồng/TSC.

Cập nhật giá cao su thế giới

Giá cao su hôm nay tăng trở lại trên một số sàn giao dịch do lo ngại về nguồn cung trên khắp các khu vực sản xuất chính tại Đông Nam Á, ngay cả khi triển vọng kinh tế ảm đạm của Trung Quốc làm giảm triển vọng nhu cầu tại thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới này.

Trong phiên giao dịch ngày 24/9, giá cao su giao tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka (OSE) Nhật Bản tăng 2,5 % so với hôm qua, lên mức 386,5 yên/kg; Hợp đồng giao tháng 2/2025 tăng tới 5,5%, đạt 378,5 yen/kg.

Trên sàn giao dịch Thượng Hải – Trung Quốc (SHFE), giá cao su tự nhiên tăng 1,5% (235 nhân dân tệ/tấn), đạt 16.330 nhân dân tệ/tấn; hợp đồng giao tháng 1/2025 tăng 309 nhân dân tệ/tấn, đạt 17.780 nhân dân tệ/tấn.

Tuy nhiên, giá cao su RSS 3 hợp đồng giao tháng 9 tại Bangkok Thái Lan quay đầu giảm nhẹ 0,6%, đạt 93,6 Baht/kg.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ Hiệp hội Cao su Thái Lan

Cập nhật giá cao su trong nước

Giá cao su trong nước cũng điều chỉnh tăng theo xu hướng chung của thị trường thế giới.

Công ty Cao su Phú Riềng báo giá mủ tạp tăng 15 đồng/DRC lên 360 đồng/DRC; giá mủ nước cũng tăng 25 đồng/TSC, đạt 425 đồng/TSC.

Sau khi điều chỉnh tăng trong ngày hôm trước, báo giá của Công ty Cao su Bà Rịa hôm nay ổn định ở mức 404 - 414 đồng/TSC đối với mủ nước. Giá mủ đông DRC từ 35 - 44% đạt 14.800 đồng/kg; mủ nguyên liệu là 18.400 – 19.800 đồng/kg.

Báo giá thu mua mủ nước của Công ty Cao su Mang Yang ổn định ở mức 360 – 402 đồng/TSC, trong khi Công ty cao su Bình Long báo giá 383-393 đồng/TSC.

Theo thông tin từ Tạp chí Cao su Việt Nam , do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 Yagi và bão số 4 đổ bộ vào các tỉnh Bắc Trung bộ từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị, gây thiệt hại khá nặng nề đối với Cao su Nghệ An, Cao su Quảng Trị. Ngay sau khi bão tan, các công ty đã ra kịp thời khắc phục sửa chữa nhà cửa, lán trại bị hư hỏng, đường sá bị xói lở để ổn định sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Đình Tuấn, TGĐ Công ty CP ĐTPT Cao su Nghệ An, cho biết thiệt hại bão số 3 và bão số 4 gây ảnh hưởng lớn đến vườn cây cao su, một số vật tư, dụng cụ khai thác, các công trình giao thông, nhà ở công nhân tại các Nông trường.

Tổng số cây bị ảnh hưởng, thiệt hại 33.530cây, trong đó có 10.248 cây bị gãy, đổ không thể khắc phục được, còn lại 23.822 cây sẽ khắc phục được, trong đó vườn cây đang khai thác là 31.850 cây và vườn cây KTCB là 1.680 cây.

Còn tại Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Trị, nơi trực tiếp bão số 4 đổ bộ vào gió mạnh cấp 7 – cấp 8, gây thiệt hại một số diện tích cao su khá đáng kể. Theo kết quả kiểm tra khi bão tan, công ty có 316 cây cao su bị gãy, 110 cây bị bật gốc, 200 cây bị nghiêng với trên 500 cây bị gãy cành với mức độ ảnh hưởng từ cấp 1 đến cấp 2.

Theo TGĐ Cao su Quảng Trị Văn Đức Dũng thì số cây bật gốc, gãy ngang không thể khắc phục được, còn lại số cây bị nghiêng, bị gãy cành từ độ 1, 2 sẽ đưa vào diện chăm sóc bảo vệ cây sẽ ổn định dần trở lại, sẽ tiếp tục đưa vào sản xuất kinh doanh.

Hoàng Hiệp