|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su hôm nay 23/11: Thị trường trầm lắng, giá cao su giảm trên một số sàn giao dịch

11:33 | 23/11/2024
Chia sẻ
Giá cao su hôm nay (23/11) giảm nhẹ tại Nhật Bản và Trung Quốc, nhưng tăng tại Thái Lan. Các chuyên gia cho rằng thị trường sẽ giao dịch thận trọng vào tuần tới trong bối cảnh nhu cầu chậm chạp.

Cập nhật giá cao su thế giới

Xem thêm: Giá cao su hôm nay 22/11

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/11, giá cao su RSS 3 giao tháng 3/2025 tại Sở Giao dịch Osaka (OSE) Nhật Bản quay đầu giảm nhẹ 0,6% (2 yen/kg) so với phiên giao dịch trước, đứng ở mức 360,2 yen/kg.

Trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Thượng Hải (SHFE) - Trung Quốc, giá cao su tự nhiên hợp đồng giao tháng 1/2025 tiếp tục giảm 0,9% (155 nhân dân tệ/tấn), xuống còn 17.325 nhân dân tệ/tấn.

Riêng tại Thái Lan, giá cao su RSS 3 hợp đồng giao tháng 12 tăng nhẹ 1,9% so với phiên giao dịch trước, ở mức 81,47 Baht/kg.

Mặc dù vậy, tính chung trong tuần vừa qua giá cao su tại Thái Lan giảm nhẹ 0,4%, trong khi Nhật Bản tăng 2,6% và Trung Quốc tăng 0,2%.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ sàn Osaka Nhật Bản

Trả lời Hãng Thông tấn Malaysia Bernama, ông Denis Low, một chuyên gia trong ngành cao su, cho rằng thị trường sẽ giao dịch thận trọng vào tuần tới trong bối cảnh nhu cầu chậm chạp.

Thị trường châu Âu đang chịu ảnh hưởng bởi căng thẳng leo thang trong xung đột giữa Nga và Ukraine. Các nhà đầu tư đã chuyển sang tài sản trú ẩn an toàn, trong khi giá dầu tăng mạnh do lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung.

Bên cạnh đó, trước khả năng tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ và các xung đột thương mại mới có thể xảy ra sau khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng, các nhà phân tích đã đề xuất một cách tiếp cận thận trọng đối với giá cả và nhu cầu hàng hóa.

“Do đó, thị trường sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn về cả cung và cầu”, ông Low cho biết.

Còn theo Hiệp hội Các Nhà Sản Xuất Găng Tay Cao Su Malaysia (MARGMA), các nhà giao dịch sẽ tiếp tục theo dõi các tín hiệu về triển vọng hạ lãi suất tại Mỹ, các biện pháp kích thích tài chính bổ sung của Trung Quốc, và tình hình địa chính trị ở Trung Đông và Đông Âu.

Đồng thời, các nhà giao dịch cũng sẽ theo dõi sát mọi tín hiệu về kế hoạch của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) liên quan đến việc trì hoãn tăng sản lượng dầu thô.

Cập nhật giá cao su trong nước

Tại thị trường trong nước, Công ty Cao su Bà Rịa điều chỉnh giảm 5 đồng/TSC đối với giá thu mua mủ nước, xuống còn 437 – 447 đồng/TSC. Tuy nhiên, mủ đông DRC (35 - 44%) giữ ổn định ở mức 13.300 đồng/kg; mủ nguyên liệu dao động 16.500 - 17.800 đồng/kg.

Các công ty khác không ghi nhận biến động mới. Theo đó, Công ty Cao su Phú Riềng báo giá thu mua mủ tạp ở mức 415 đồng/DRC, mủ nước là 455 đồng/TSC.

Tương tự, Công ty Cao su Mang Yang báo giá mủ nước ở mức 443 – 447 đồng/TSC; mủ đông tạp trong khoảng 406 – 461 đồng/DRC.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 10 tháng đầu năm, Malaysia đã mua 24.800 tấn cao su từ Việt Nam trị giá 35,2 triệu USD (150 triệu RM) để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành cao su trong nước.

Tính riêng trong tháng 10, Malaysia đã nhập khẩu 7.260 tấn cao su trị giá gần 11,5 triệu USD từ Việt Nam, trở thành nhà nhập khẩu cao su lớn thứ hai của nước này sau Trung Quốc.

Thông tin từ Hãng Thông tấn Malaysia Bernama, bà Nursuhaiza Hashim, nhà phân tích nghiên cứu cổ phiếu tại BIMB Securities Sdn Bhd, cho biết, Việt Nam tập trung vào sản xuất cao su thô, với các đồn điền quy mô lớn và ngày càng đóng vai trò quan trọng trên thị trường toàn cầu.

Trong khi đó, Malaysia đã chuyển hướng sang ngành công nghiệp sản xuất theo sản phẩm, đặc biệt chú trọng đến các sản phẩm cao su như găng tay y tế và lốp xe, trong khi sản xuất cao su thô đã giảm dần qua các năm.

Bên cạnh găng tay và lốp xe, ngành công nghiệp cao su của Malaysia còn bao gồm sản xuất giày dép, các sản phẩm từ latex, các sản phẩm cao su thông dụng và nhiều linh kiện công nghiệp khác.

Mỗi ngành yêu cầu chủng loại và chất lượng cao su cụ thể, điều này càng thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu.

Malaysia là một trong những nhà sản xuất cao su lớn trên thế giới, với sản lượng trung bình 348.000 tấn cao su tự nhiên hàng năm. Tuy nhiên, Malaysia cũng nhập khẩu cao su để bù đắp các khoảng trống thiếu hụt.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, Việt Nam là nước đứng thứ ba thế giới về cung cấp cao su tự nhiên. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đã đặt mục tiêu mở rộng diện tích trồng cao su lên từ 800.000 đến 850.000 ha vào năm 2030.

Hoàng Hiệp