Giá cao su hôm nay 16/9: Ổn định trong ngày đầu tuần
Cập nhật giá cao su thế giới
Phiên giao dịch đầu tuần, giá cao su RSS 3 tại Sở giao dịch Osaka (OSE) – Nhật Bản vẫn duy trì ở mức 371,2 yen/kg đối với hợp đồng giao tháng 9; hợp đồng giao tháng 2/2025 đạt 362,9 yen/kg.
Giá cao su tự nhiên trên sàn giao dịch Thượng Hải (SHFE) – Trung Quốc cũng đi ngang ở mức 15.615 nhân dân tệ/tấn đối với hợp đồng giao tháng 9; hợp đồng giao tháng 1/2025 đạt 17.025 nhân dân tệ/tấn.
Tuy nhiên, giá cao su RSS 3 hợp đồng giao tháng 9 tại Bangkok – Thái Lan tăng nhẹ 1,5% so với cuối tuần trước, lên mức 90,7 Baht/kg.
Thời tiết bất lợi, mưa lũ tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung của Thái Lan – nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nhu cầu yếu từ thị trường Trung Quốc đang kìm hãm đà tăng giá.
Cập nhật giá cao su trong nước
Báo giá thu mua mủ cao su nguyên liệu tại các công ty trong nước ngày 16/9 vẫn ổn định ở mức 383-409 đồng/TSC.
Tại Công ty Cao su Bà Rịa, giá thu mua mủ nước được báo giá trong khoảng 399 - 409 đồng/TSC. Tương tự, giá mủ đông DRC từ 35 đến 44% ở mức 14.700 đồng/kg; mủ nguyên liệu là 18.200 – 19.600 đồng/kg.
Công ty Cao su Phú Riềng bảo giá mủ tạp ở mức 360 đồng/DRC và 400 đồng/TSC với mủ nước.
Báo giá thu mua mủ nước của Công ty Cao su Mang Yang ở mức 360 – 402 đồng/TSC, trong khi Công ty cao su Bình Long là 383-393 đồng/TSC.
Theo Đài PT-TH Lâm Đồng, từ tháng 4/2024 đến nay, giá mủ cao su trên thị trường tăng trở lại khiến người trồng cao su trên địa bàn tỉnh Đắk Nông rất phấn khởi. Nhiều diện tích cây cao su trước đó bỏ hoang hoặc khai thác cầm chừng, nay đã được quan tâm chăm sóc.
Cụ thể, hiện tại giá mủ cao su trên thị trường dao động từ 14.000-15.000 đồng/kg, cao hơn 3.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá mủ cao su tăng trở lại khiến người trồng cao su rất phấn khởi. Nếu giữ được giá này cho đến cuối năm, mỗi héc-ta cao su có thể mang lại nguồn thu từ 15-20 triệu đồng/tháng. Đắk Nông hiện có trên 24.000 ha cao su.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, sản lượng thu hoạch đạt trên 19.800 tấn. Trong những năm qua, khi giá cao su xuống thấp, nhiều hộ gia đình không mặn mà chăm sóc và khai thác, nên Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân giữ diện tích cao su, không chặt bỏ chuyển sang trồng cây khác; chăm sóc, khai thác đúng kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả lâu dài.
Đắk Nông đặt mục tiêu đến năm 2030 diện tích trồng cao su khoảng 25.000 ha, sản lượng hoảng 35.000 tấn; Chú trọng trồng đúng quy trình kỹ thuật và sử dụng các giống ghép cho năng suất cao, kháng bệnh và chịu hạn tốt; mở rộng công suất nhà máy kết hợp với đa dạng hóa chủng loại và nâng cao chất lượng các sản phẩm sơ chế biến.