|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su hôm nay 14/9: Tăng trên một số sàn giao dịch

14:20 | 14/09/2024
Chia sẻ
Giá cao su hôm nay 14/9 tăng nhẹ trên sàn giao dịch OSE và Thượng Hải. Xuất khẩu cao su của Bờ Biển Ngà, nước sản xuất hàng đầu tại châu Phi đã giảm 4,7% trong 8 tháng đầu năm.

Cập nhật giá cao su thế giới

Trong phiên giao dịch ngày 14/9, tại Nhật Bản, giá cao su RSS 3 tại Sở giao dịch Osaka (OSE) tăng nhẹ 0,5 yên/kg, lên mức 371,2 yen/kg đối với hợp đồng giao tháng 9; hợp đồng giao tháng 2/2025 tăng 4 yen/kg, ở mức 362,9 yen/kg.

Giá cao su tự nhiên trên sàn giao dịch Thượng Hải (SHFE) – Trung Quốc tăng 0,3%, đạt 15.615 nhân dân tệ/tấn đối với hợp đồng giao tháng 9; hợp đồng giao tháng 1/2025 tăng 1,1%, ở mức 17.025 nhân dân tệ/tấn.

Tại Thái Lan, giá cao su RSS 3 hợp đồng giao tháng 9 tại Bangkok ổn định ở mức 89,4 Baht/kg.

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp số liệu từ Hiệp hội Cao su Thái Lan

Tồn kho cao su tự nhiên tại Trung Quốc vào thời điểm đầu tháng 9 là 1,2 triệu tấn, tăng 2.400 tấn (0,2%) so với kỳ trước.

Tính đến ngày 6/9, công suất vận hành sản xuất lốp toàn thép của các hãng lốp cao su tại tỉnh Sơn Đông – Trung Quốc là 58,9%, thấp hơn 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, công suất sản xuất lốp bán thép là 78,7%, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 6,2%.

Trong khi đó, xuất khẩu cao su của Bờ Biển Ngà trong 8 tháng đầu năm đạt tổng cộng 919.240 tấn, giảm 4,7% so với 965.009 tấn cùng kỳ năm 2023. Tính riêng tháng 8, khối lượng xuất khẩu giảm 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng 1,8% so với tháng trước.

Bờ Biển Ngà là quốc gia sản xuất cao su tự nhiên hàng đầu ở châu Phi. Trong những năm gần đây, xuất khẩu cao su của Bờ Biển Ngà đã tăng lên hàng năm do nông dân, nhờ lợi nhuận ổn định, đã chuyển đổi cây trồng từ ca cao sang cao su.

Còn tại Malaysia, Uỷ ban Cao su Malaysia (MRB) đã khởi động chương trình trợ cấp sản xuất cao su (IPG) cho các hộ nông dân nhỏ tại bang Sabah và Sarawak trong tháng 8/2024.

Tại bang Sabah, mức trợ cấp cho mủ tạp là 10 sen mỗi kg (tương đương với hàm lượng cao su khô 50%) và 20 sen mỗi kg (hàm lượng cao su khô 100%). Trong khi đó, tại bang Sarawak, trợ cấp cho mủ tạp là 20 sen mỗi kg (50% hàm lượng cao su khô) và 40 sen mỗi kg (100% hàm lượng cao su khô).

Đối với mủ cao su (100% hàm lượng cao su khô), trợ cấp sẽ được kích hoạt khi trợ cấp mủ tạp được kích hoạt, với mức trợ cấp là 90 sen mỗi kg.

Các hộ trồng cao su có thể nộp đơn yêu cầu trợ cấp IPG dựa trên sản lượng tháng 8/2024 trong khoảng thời gian từ ngày 1 đến ngày 30/9/2024.

Điều kiện để nhận được trợ cấp từ tháng 1/2024 là giá trung bình hàng tháng của mủ tạp giao tại trang trại là 3 Ringgit/kg hoặc thấp hơn.

Cập nhật giá cao su trong nước

Báo giá thu mua mủ cao su nguyên liệu tại các công ty trong nước ngày 14/9 vẫn ổn định ở mức 383-409 đồng/TSC.

Tại Công ty Cao su Bà Rịa, giá thu mua mủ nước được báo giá trong khoảng 399 - 409 đồng/TSC. Tương tự, giá mủ đông DRC từ 35 đến 44% ở mức 14.700 đồng/kg; mủ nguyên liệu là 18.200 – 19.600 đồng/kg.

Công ty Cao su Phú Riềng bảo giá mủ tạp ở mức 360 đồng/DRC và 400 đồng/TSC với mủ nước.

Báo giá thu mua mủ nước của Công ty Cao su Mang Yang ở mức 360 – 402 đồng/TSC, trong khi Công ty cao su Bình Long là 383-393 đồng/TSC.

Hoàng Hiệp