|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cao su giữa tháng 7 biến động trái chiều

11:30 | 29/07/2021
Chia sẻ
Trong 10 ngày giữa tháng 7/2021, giá cao su tại Nhật Bản và Thái Lan giảm so với 10 ngày trước đó, trong khi giá tại Trung Quốc tăng.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong 10 ngày giữa tháng 7/2021, giá cao su tại Nhật Bản và Thái Lan giảm so với 10 ngày trước đó, trong khi giá tại Trung Quốc tăng. 

Cụ thể, tại Sở giao dịch hàng hóa Osaka (OSE), giá cao su sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 8 tháng vào ngày 14/7 đã phục hồi trong mấy phiên gần đây, nhưng vẫn giảm so 10 ngày đầu tháng 7/2021. 

Ngày 19/7, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 8/2021 giao dịch ở mức 214,5 Yên/kg (tương đương 1,95 USD/kg), giảm 1,5% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 40,3% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong những phiên gần đây, giá cao su tại Nhật Bản phục hồi khi thị trường kỳ vọng vào những biện pháp hỗ trợ nhiều hơn của Trung Quốc để củng cố sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.

Tại sàn SHFE Thượng Hải, ngày 19/7, giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 8/2021 giao dịch ở mức 13.365 NDT/tấn (tương đương 2,06 USD/ tấn), tăng 0,7% so với 10 ngày trước đó và tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2020. 

Tuần từ ngày 12/7 – 16/7, tồn kho cao su tự nhiên dựa theo chứng từ tại SHFE đạt 178.150 tấn, tăng 3.600 tấn (tương đương tăng hơn 2%) so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai đạt 190.615 tấn, tăng 2.457 tấn (tương đương tăng 1,3%) so với tuần trước.

Giá cao su giữa tháng 7 biến động trái chiều - Ảnh 1.

Diễn biến giá cao su RSS3 giao kỳ hạn tháng 8/2021 tại sàn SHFE trong tháng 7/2021 (ĐVT: NDT/tấn). (Nguồn: shfe.com.cn/Bộ Công Thương)

Tại Thái Lan, ngày 19/7 giá cao su RSS 3 chào bán ở mức 56,28 Baht/kg (tương đương 1,71 USD/kg), giảm 0,8% so với 10 ngày trước đó, nhưng tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong báo cáo mới nhất, Tổ chức Các nước sản xuất cao su tự nhiên thế giới (ANRPC) giữ nguyên dự báo nguồn cung cao su tự nhiên thế giới năm 2021 ở mức 13,81 triệu tấn; trong khi nhu cầu cao su tự nhiên dự báo đạt 13,87 triệu tấn, tăng 8% so với năm 2020. 

Nhu cầu cao su tự nhiên tăng nhờ kinh tế Mỹ, châu Âu và Anh phục hồi tốt hơn dự kiến. Tuy nhiên, giá cao su chịu tác động giảm khi thị trường dầu mỏ thế giới giảm do lo ngại khả năng bổ sung nguồn cung trong thời điểm số ca mắc COVID-19 tăng nhanh có thể dẫn tới các biện pháp hạn chế nhằm kiểm soát dịch. 

ANRPC dự báo trong ngắn hạn thị trường cao su tự nhiên ít có cơ hội phục hồi do tình trạng thiếu chip ảnh hưởng đến ngành sản xuất ô tô toàn cầu, tiêu thụ ô tô tại nhiều thị trường chậm lại do tác động của dịch COVID-19, nguồn cung cao su tự nhiên tăng khi các nước sản xuất vào vụ thu hoạch… Nhu cầu nhập khẩu của quốc gia tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới giảm.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, tháng 6/2021, Trung Quốc nhập khẩu 462.000 tấn cao su tự nhiên và tổng hợp (kể cả mủ cao su), trị giá 861,5 triệu USD, giảm 13,5% về lượng, nhưng tăng 24,2% về trị giá so với tháng 6/2020.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Trung Quốc nhập khẩu 3,29 triệu tấn cao su, trị giá 5,82 tỷ USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 27,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tại thị trường trong nước, trong 10 ngày giữa tháng 7/2021, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động trong biên độ hẹp. 

Hiện giá thu mua mủ nước của Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng ở mức 330 đồng/TSC, tăng 5 đồng/TSC so với 10 ngày trước đó; giá thu mua mủ tạp ở mức 265 đồng/TSC, ổn định so với 10 ngày trước đó. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai thông báo điều chỉnh giảm giá thu mua một số mủ cao su tiểu điền.

Giá cao su giữa tháng 7 biến động trái chiều - Ảnh 2.

Giá thu mua mủ cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai. (Nguồn: Công ty TNHH MTV Cao su Đồng Nai/Bộ Công Thương)

 

Như Huỳnh