Giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ vượt mức đỉnh năm 2019
Giá cá tra nguyên liệu và xuất khẩu đồng loạt tăng
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP), giá cá tra nguyên liệu trong quý I tăng mạnh kéo giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu trung bình cũng tăng lên mức từ 3,2 - 3,4 USD/kg.
Trong đó, giá xuất khẩu trung bình sang thị trường Mỹ cao nhất và tăng mạnh lên tới hơn 4,5 USD/kg. Đây là mức giá cao hơn cả mức đỉnh của năm 2019.
Giá cá tra phile đông lạnh xuất khẩu trung bình đi thị trường Trung Quốc cũng cao hơn hẳn so với năm ngoái, dao động từ 2,4 - 3,25 USD/kg (cùng kỳ năm ngoái ở mức 1,9 - 2,7 USD/kg).
Ngoài ra, ở các thị trường khác giá cá tra xuất khẩu cũng khả quan. Giá phile cá đông lạnh xuất khẩu đi EU cũng khả quan, dao động từ 2,9 - 3,45 USD/kg. Trong đó, giá xuất khẩu đi thị trường Hà Lan, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha cũng tăng và ổn định so với cùng kỳ năm 2021.
Giá cá tra nguyên liệu tăng trong thời gian qua giúp cho người nuôi có động lực thả nuôi trở lại, tuy nhiên chi phí thức ăn, con giống, nguyên vật tư đầu vào cũng tăng nhanh không kém giá cá bán. Do đó, cho tới nay, cả người nuôi và doanh nghiệp chưa lời cao. Bù lại, yếu tố thị trường đầu ra đang tích cực và nhiều khả quan hơn trong các quý tới.
Chia sẻ bên lề tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 diễn ra sáng 19/4, Tổng Giám đốc CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) Nguyễn Ngô Vi Tâm cho biết hiện giá cá tra đã tăng và còn tiếp tục lên từ nay đến cuối năm.
Hiện giá bán của Vĩnh Hoàn cũng đã tăng rất đều. Các đơn hàng đã ký tới quý III, một số đơn hàng ký nguyên năm. Do đó chi phí nuôi là yếu tố quyết định, và Vĩnh Hoàn làm sao kiểm soát được nguồn nguyên liệu đầu vào để tối ưu hóa được biên lợi nhuận.
Bà Tâm cũng nói thêm, lượng cá tra của Vĩnh Hoàn xuất khẩu sang các thị trường tính chung năm nay sẽ tăng khoảng 25% trở lên.
Theo số liệu của Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 3, diện tích thả nuôi mới cá tra chỉ bằng 94% so với cùng kỳ năm trước.
Sản lượng thu hoạch đạt 350 nghìn tấn tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Tại một số địa phương chủ lực sản xuất cá tra như Đồng Tháp, diện tích nuôi cá tra cũng chỉ đạt 94,6%; diện tích nuôi cá tra thâm canh của Vĩnh Long cũng giảm 22,9% so với cùng kỳ năm trước.
VASEP dự báo, tình trạng khan hiếm nguyên liệu sẽ còn tiếp tục kéo dài cho tới ít nhất là hết quý II. Hiện nay, giá cá tra cỡ 0,7 - 0,8 kg/con dao động ở mức 31.000 - 32.500 đồng/kg; cỡ 1 - 1,2 kg/con dao động mức 32.000 - 34.500 đồng/kg.
"Như vậy, so với cùng kỳ, giá cá tra nguyên liệu đã tăng từ 8.000 - 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái và tăng khoảng 20% so với cuối năm 2021", VASEP nhận định.
Cẩn trọng tránh đi vào vết xe đổ
Mặc dù vậy, căng thẳng Nga - Ukraine vẫn chưa tới hồi kết nên điều này cũng là yếu tố gây ảnh hưởng không nhỏ và khó định hướng thị trường, VASEP khuyến nghị cả doanh nghiệp và người nuôi cần thận trọng tính toán và cân đối giữa diện tích, sản lượng nuôi với biến động thị trường để tránh lặp lại khủng hoảng thừa như cách đây vài năm.
Chủ tịch HĐQT Vĩnh Hoàn bà Trương Thị Lệ Khanh chia sẻ, công ty cũng như các nhà nhập khẩu nước ngoài cũng đang lo sợ về sập giá như năm 2019.Thời điểm đó, giá cá nguyên liệu giảm mạnh, chất lượng con giống giảm sút, Việt Nam mất thế độc quyền trên thị trường thế giới.
Trong đại dịch vừa rồi, phía Vĩnh Hoàn cũng đã nâng giá nguyên liệu lên và cố gắng giữ nó để không bị sập như hồi 2019.
Công ty cũng thương thảo với nhà nhập khẩu là nếu không mua bây giờ thì các nhà máy chế biến cũng sẽ tích trữ bỏ kho. Hiện thế giới không dự trữ nhiều cá do dịch bệnh COVID-19. Điều này dễ dàng đẩy giá cá tra tăng cao nữa khi nhu cầu đã và đang hồi phục trở lại.