|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Doanh nghiệp kín đơn hàng, xuất khẩu cá tra quý II kỳ vọng bội thu

16:16 | 20/04/2022
Chia sẻ
Nhu cầu tiêu thụ cá tra của Mỹ, EU, Trung Quốc tăng bật, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn như IDI, Vĩnh Hoàn... đều sẵn đơn hàng cho quý II. Xuất khẩu cá tra được dự báo tiếp tục tăng trưởng dương.

Nhu cầu tăng bật, doanh nghiệp cá tra kín đơn hàng

Doanh nghiệp đã kín các đơn hàng xuất khẩu cho đến hết năm 2022 là tin vui ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI) chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên năm 2022 mới đây.

“IDI kỳ vọng doanh thu cán mốc 8.300 tỷ đồng, tăng trưởng 45% và lợi nhuận sau thuế 900 tỷ đồng, vượt gấp 6,3 lần so với năm 2021”, ông Thuấn nói.

Chủ tịch IDI cho biết sở dĩ doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng cao nhất trong lịch sử nhờ động lực thị trường và yếu tố nội lực của IDI.

Trong quý I, xuất khẩu cá tra Việt Nam đang hồi sinh mạnh mẽ ở nhiều thị trường lớn như Mỹ, Trung Quốc, châu Âu...

Trong khi, thị trường tiêu thụ của IDI phủ sóng lên đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Mỹ, EU, ASEAN, Châu Phi, Nam Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Brazil… Các thị trường này đều tăng trưởng khả quan.

(Phạm Mơ tổng hợp từ báo cáo tài chính năm 2021 của IDI) 

Ngoài ra, trong năm qua, IDI đã dự trữ được 24.000 tấn cá tra thành phẩm với mức giá nguyên liệu đầu vào khoảng 17.000 – 18.000 đồng/kg nhờ lợi thế 3 kho lạnh quy mô lớn và nguồn lực tài chính dồi dào.

Việc thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá cá tra nguyên liệu lên hơn 32.000 đồng/kg ngay sau Tết Nguyên đán. Cùng với nhu cầu tiêu thụ thủy sản tăng bật hậu COVID, giá cá tra được dự báo sẽ phá kỷ lục lịch sử 35.000 đồng/kg và cán đích mới 40.000 đồng/kg trong nửa cuối năm 2022.

“Với mức chênh lệch này, IDI có thể thu lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng”, ông Thuấn nhấn mạnh.

Không riêng IDI mà Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp của "nữ hoàng cá tra" Trương Thị Lệ Khanh… cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. 

Theo đó, trong quý I, tổng doanh thu của CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) đạt 3.225 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận đạt 540 tỷ đồng, tăng gấp 4,1 lần.

Năm nay, doanh nghiệp đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, tương ứng tăng 44% và tăng 46% so với năm 2021.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, Tổng Giám đốc VHC lý giải việc doanh nghiệp kế hoạch lợi nhuận cao hơn so với tài liệu công bố trước đó (1.500 tỷ đồng) vì nhu cầu đã quay trở lại, các khách hàng ở châu Âu và châu Mỹ đặt hàng nhiều hơn.

Đại diện VHC cũng nêu tiềm năng cụ thể ở các thị trường chính. Cụ thể, ở thị trường Mỹ có vụ kiện chống bán phá giá cá tra, nên VHC đang có lợi thế cạnh tranh từ vụ kiện này.

Đối với thị trường EU, VHC có lợi thế về thuế nhập khẩu, trước là 5,5% và đang lộ trình giảm xuống 0% trong vòng 1 – 2 năm nữa. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ tại châu Âu (do chiến tranh Nga – Ukraine) nên doanh nghiệp nhận được nhiều đơn hàng từ EU hơn.

Đây là cơ hội trong ngắn hạn, nhưng dài hạn cũng rất tiềm năng khi các nhà máy ở EU dùng cá tra để thay thế các sản phẩm khác.

Đối với thị trường Trung Quốc, năm 2022 – 2023 sẽ không tăng trưởng nóng do hàng rào về COVID-19. Tuy nhiên, nhu cầu của Trung Quốc về cá tra luôn luôn có, và xu thế là họ mua về cá fille thô rồi sẽ về nước chế biến.

Xuất khẩu cá tra quý II kỳ vọng bội thu

Những tín hiệu tích cực của các doanh nghiệp xuất khẩu đã giúp cho xuất khẩu cá tra quý I tăng trưởng 90% so với cùng kỳ năm 2021, đạt 646 triệu USD, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến 163%, Mỹ 123% và EU cũng tăng 86%.

Đánh giá về triển vọng xuất khẩu cá tra quý II, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra (VINAPA) cho biết: “Thời gian vừa qua, nhu cầu tiêu thụ của Mỹ, EU đang rất sôi động, còn thị trường Trung Quốc cũng bắt nhịp trở lại. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam cho đến hết năm 2022”.

 Xuất khẩu cá tra đang vào đà tăng. (Ảnh: VASEP)

Phía Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cũng tin tưởng xuất khẩu cá tra trong quý II sẽ giữ được mức tăng trưởng dương nhờ nhu cầu tiêu thụ gia tăng và khoảng trống ở một số phân khúc với sản phẩm cá thịt trắng (cá tuyết, cá minh thái) bị thiếu hụt nguồn cung từ Nga.

Về các thị trường xuất khẩu, đại diện VINAPA đánh giá Trung Quốc là thị trường tiềm năng cho cá tra Việt Nam rồi mới đến Mỹ và EU. Bởi, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc tiện lợi ở cả đường bộ và đường biển và nhu cầu của thị trường hơn một tỷ dân này là vô cùng lớn.

Tuy nhiên, thời gian qua nước này áp dụng chính sách “Zezo COVID”, đưa ra nhiều quy định mới về kiểm dịch thủy sản đông lạnh, an toàn vệ sinh thực phẩm khiến các doanh nghiệp Việt chưa thích ứng kịp.

Ở thời điểm hiện tại, hiện các doanh nghiệp Việt đã quen và thích nghi với các quy định của thị trường này, xuất khẩu bắt đầu thuận lợi hơn.

“Giai đoạn này, thị trường Trung Quốc tiêu thụ cá tra rất nhiều. Do vậy, cùng với việc đẩy mạnh mối quan hệ thương mại giữa hai nước, việc tập huấn, đào tạo cho các doanh nghiệp trong nước thích ứng với quy định của thị trường Trung Quốc là cần thiết”, ông Quốc nói.

Ngoài ra, ông Quốc cũng cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa ở Mỹ và EU. Dù đây là những thị trường khó tính nhưng một khi cá tra Việt Nam vào được thị trường này, họ sẽ nhập khẩu với khối lượng rất lớn, giá cả cạnh tranh.

Sau khi hai thị trường này mở cửa nền kinh tế, nhu cầu tiêu thụ sẽ bùng nổ và doanh nghiệp Việt nên chớp lấy thời cơ này.

Dù triển vọng xuất khẩu cá tra quý II được đánh giá khá tươi sáng song các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với những bài toán cố hữu như cước vận tải, chi phí sản xuất, rủi ro dịch COVID-19… ảnh hưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.

Phạm Mơ