Giá cà phê xuất khẩu tăng hơn mạnh hơn 30%
Theo ước tính, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 2 đạt 130 nghìn tấn, trị giá 304 triệu USD, giảm 20,4% về lượng và giảm 18% về trị giá so với tháng 1, so với tháng 2/2021 tăng 5,7% về lượng và tăng 40% về trị giá.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 293 nghìn tấn, trị giá 674 triệu USD, tăng 3,4% về lượng và tăng 37% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tháng 2, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.337 USD/tấn, tăng 3% so với tháng 1 và tăng 32,6% so với tháng 2/2021.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2022, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.299 USD/tấn, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2021.
Ở thị trường nội địa, tháng 2, giá cà phê robusta nguyên liệu giữ ở mức cao. So với cuối tháng 1/2022, giá cà phê trong nước vẫn tăng mạnh.
Ngày 28/2, giá cà phê tại thị trường nội địa tăng 1.200 đồng/kg so với ngày 28/1, lên mức cao nhất 41.000 đồng/kg tại tỉnh Đắk Lắk; mức thấp nhất 40.400 đồng/kg tại tỉnh Lâm Đồng; tại tỉnh Gia Lai và Đắk Nông ở mức 40.900 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, cà phê robusta của Việt Nam được xuất khẩu tới trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó xuất khẩu nhiều nhất sang các thị trường thành viên EU (Đức, Bỉ, Italy, Tây Ban Nha, Hà Lan), Anh, Nga, Mỹ, Philippines. Đáng chú ý, xuất khẩu cà phê robusta sang các thị trường Đức, Bỉ và Anh tăng trưởng ở mức cao.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê toàn cầu có xu hướng giảm trong ngắn hạn. Giới đầu cơ rút vốn tìm nơi trú ẩn an toàn do lo ngại rủi ro khi tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine leo thang.
Về dài hạn, giá cà phê sẽ phục hồi khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine hạ nhiệt. Tỷ giá đồng real tăng khiến người trồng cà phê Brazil giảm bán ra, ngay cả khi nước này và một số quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn bước vào vụ thu hoạch vụ mùa mới vào cuối tháng 3 tới, góp phần đáng kể vào nguồn cung thiếu hụt hiện tại.