|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê tăng mạnh trong tháng 8 vì lo ngại thiếu hụt nguồn cung

15:38 | 02/09/2022
Chia sẻ
Theo Cục Xuất nhập khẩu, tháng 8, do lo ngại thiếu hụt nguồn cung từ các nước sản xuất, giá cà phê thế giới tăng mạnh trên cả hai sàn London và New York.

Báo cáo tồn kho ICE tiếp tục giảm và thời tiết khô hạn ở các vùng trồng cà phê Brazil. Tại Việt Nam, các kho dự trữ cà phê robusta hiện còn khoảng 200.000 tấn, các doanh nghiệp xuất khẩu không muốn đưa cà phê về kho ICE – Europe đăng ký đấu giá vì chi phí logistics cao.

Tính đến ngày 22/8, tồn kho cà phê robusta trên sàn London chứng nhận và theo dõi cấp phát giảm thêm 1.700 tấn (giảm 1,73%) so với tuần trước, xuống còn 96.480 tấn (khoảng 1,6 triệu bao loại 60 kg).

Trên sàn giao dịch London, ngày 29/8, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 9 và tháng 11 cùng tăng 13,2% so với ngày 29/7, lên mức 2.281 USD/tấn và 2.279 USD/tấn.

Trên sàn giao dịch New York, ngày 29/8, giá cà phê arabica giao kỳ hạn tháng 9, tháng 12 tăng lần lượt 10,8%, 11% so với ngày 29/7, lên mức 242 US Cent/pound, 238,1 US Cent/pound.

Tháng 8, giá cà phê robusta tại thị trường nội địa tăng lên mức cao kỷ lục, lên mức 49.700 – 50.200 đồng/kg (ngày 25/8), nhưng sau đó có xu hướng giảm trong các ngày 26 – 27/8.

Mặc dù vậy, so với cuối tháng 7, giá cà phê robusta tại thị trường nội địa vẫn tăng mạnh. Ngày 27/8, giá cà phê Robusta tăng 4.800 – 4.900 đồng/kg so với ngày 29/7, lên mức 48.300 – 48.900 đồng/kg. 

 H.Mĩ tổng hợp

Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá cà phê thế giới tiếp tục tăng trong thời gian tới do lo ngại nguồn cung thiếu hụt.

Theo khảo sát của Bloomberg, dự trữ cà phê toàn cầu được dự báo sẽ giảm một nửa vào cuối tháng 9 so với cùng kỳ năm 2021.

Sản lượng cà phê của Việt Nam cũng dự kiến sẽ giảm 6% xuống còn 1,72 triệu tấn trong giai đoạn 2022-2023. Trong khi đó, nhà tư vấn – phân tích Safras & Mercados cho rằng sản lượng cà phê Brazil năm nay sẽ không đạt mức dự báo 61,1 triệu bao do hệ quả của những đợt sương giá và khô hạn năm ngoái.

Hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về xuất khẩu cà phê. 

Dự trữ ngày càng cạn kiệt trong khi triển vọng sản lượng trong niên vụ tiếp theo không được tích cực giữa bối cảnh nhu cầu tiêu thụ cà phê đang phục hồi sau đại dịch. Giá cà phê robusta đã tăng 17% tức mức thấp nhất 10 tháng hồi giữa tháng 7 do thị trường quan ngại nguồn cung từ Brazil và Châu Phi giảm. 

Cà phê robusta, nguyên liệu chính để sản xuất cà phê hoà tan hoặc phối trộn với hạt cà phê arabica để pha espresso, dường như đang quay trở lại đà tăng giá. Thông thường, giá cà phê robusta rẻ hơn rất nhiều so với arabica, do đó trong bối cảnh lạm phát tăng cao như hiện nay, nhu cầu cà phê robusta càng tăng cao. 

Hàng tồn kho tại Việt Nam giảm mạnh do lượng cà phê xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm tăng 17% lên 1,13 triệu tấn, theo số liệu của Tổng Cục Hải quan. Việc gia tăng xuất khẩu còn được hỗ trợ bởi nguồn cung container và tàu được cải thiện. Tuy nhiên, đà tăng xuất khẩu được cho là kho có thể duy trì do lượng hàng dự trữ ngày càng thu hẹp. 

H.Mĩ