|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá cà phê hôm nay 24/9: Tăng vọt trở lại trên cả hai sàn giao dịch

06:54 | 24/09/2024
Chia sẻ
Giá cà phê hôm nay tăng 1.200 đồng tại thị trường trong nước. Còn trên thị trường thế giới, giá cà phê trên cả hai sàn New york và London đã chứng kiến một phiên tăng điểm mạnh từ 4 – 5% so với cuối tuần trước, do lo ngại về nguồn cung toàn cầu và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng biển.

Cập nhật giá cà phê trong nước

Theo khảo sát, giá cà phê hôm nay tại khu vực Tây Nguyên tăng mạnh 1.200 đồng/kg, lên mức bình quân 120.700 đồng/kg.

Tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, giá cà phê đang được các đại lý thu mua ở mức 120.700 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg so với ngày hôm trước.

Tương tự, giá thu mua cà phê tại tỉnh Gia Lai tăng 1.200 đồng/kg, lên mức 120.700 đồng/kg.

Còn tại Lâm Đồng, giá cà phê đang được giao dịch ở mức 120.200 đồng/kg, tăng 1.200 đồng/kg.

Thị trường Trung bình Thay đổi so với ngày hôm trước
Đắk Lắk 120.700 +1.200
Lâm Đồng 120.200 +1.200
Gia Lai 120.700 +1.200
Đắk Nông 120.700 +1.200
Tỷ giá USD/VND 24.440 +50

Đơn vị tính: VNĐ/kg

Tỷ giá theo ngân hàng Vietcombank

Nguồn: Hoàng Hiệp tổng hợp từ giacaphe.com

Cập nhật giá cà phê thế giới

Tính đến sáng ngày 24/9, giá cà phê robusta hợp đồng giao tháng 11 trên sàn Lodon đã tăng tới 4,3% (217 USD/tấn) so với cuối tuần trước, lên mức 5.276 USD/tấn; hợp đồng giao tháng 1/2025 cũng tăng 4,2%, đạt 5.003 USD/tấn.

 

Trên sàn giao dịch New York, giá cà phê arabica hợp đồng giao tháng 12 đã tăng 5,1% so với phiên giao dịch gần nhất, đạt 263,65 US cent/pound; hợp đồng giao tháng 3/2025 tăng 5%, ở mức 261,3 US cent/pound.

 

Theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, mặc dù dự báo có mưa tại Brazil trong tuần này nhưng vẫn chưa có mưa xuất hiện nên hai sàn cà phê quay đầu tăng mạnh trở lại, lấy lại gần xong những gì đã đánh mất trong 2 ngày cuối tuần trước.

Lượng cà phê robusta đạt chuẩn cuối tuần trước báo giảm trên 5 nghìn tấn cũng kích giá tăng tốt đầu tuần.

Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông đang ngày một nóng lên cũng góp phần đẩy giá cà phê tăng cao trở lại do lo ngại tình trạng tắc nghẽn cảng biển tại khu vực Biển Đỏ.

Còn theo comunicaffe, tuần trước, việc bán tháo trên cả hai sàn kỳ hạn đã được kích hoạt bởi dự báo thời tiết từ Brazil, nơi các mô hình dự báo có mưa vào cuối tuần này trong giai đoạn ra hoa quan trọng của vụ mùa mới.

Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan. Nhà xuất khẩu Brazil, Escritório Carvalhaes, cho rằng lượng mưa sẽ không đồng đều và cường độ thấp, khó có thể làm giảm nhiệt độ.

Trên thực tế, một cuộc khảo sát với hơn 1.700 nhà sản xuất dự báo sản lượng arabica của Brazil sẽ giảm 23% trong niên vụ 2024-2025.

Con số này thấp hơn nhiều so với ước tính chính thức của Công ty Cung ứng Quốc gia Brazil (CONAB), cho thấy sự sụt giảm khiêm tốn 0,5%.

Kết quả tiêu cực và thấp hơn dự kiến này là do điều kiện thời tiết bất lợi, với lượng mưa rải rác và phân bố không đồng đều trong giai đoạn phát triển trái cà phê.

Trong một cuộc khảo sát thực địa được thực hiện tại bốn khu vực sản xuất: Montanhas de Minas, Sul de Minas, Chapada de Minas và Cerrado Mineiro. Các nhà phân tích chỉ ra rằng đợt hạn hán kéo dài trong năm nay cũng sẽ có tác động tiêu cực đến vụ mùa tiếp theo.

Trong khi đó, nguồn cung tổng thể toàn cầu vẫn thắt chặt do sản lượng robusta giảm liên tiếp qua các vụ mùa gần đây từ Việt Nam, cùng với đó lượng hàng tồn kho ở thị trường Bán Cầu Bắc đang giảm.

Vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025 của Brazil đã hoàn thành, các lô hàng xuất khẩu đang được diễn ra, nhưng tắc nghẽn logistics từ quốc gia sản xuất và xuất khẩu hàng đầu này tiếp tục góp phần làm tăng nhu cầu trên thị trường giao ngay.

Thời gian vận chuyển kéo dài trong khi thời hạn tuân thủ Quy định Chống Phá rừng của EU (EUDR) đang đến gần, tạo ra sự bất ổn trên các thị trường khi nhu cầu rang xay mùa đông ở Bán Cầu Bắc đang cận kề.

Hoàng Hiệp

Tiêu dùng là động lực quyết định tăng trưởng của nền kinh tế 2025
Với nhận định trên, TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ có các giải pháp để tăng thu nhập của người dân, kích thích tiêu dùng nội địa.