Giá cà phê hôm nay (18/11) tiếp tục giảm mạnh trong cả tuần, giá tiêu có nơi giảm tới 2.000 đồng/kg
Giá cà phê tuần qua
Tuần qua tiếp tục là một tuần giảm đối với giá cà phê khu vực Tây Nguyên khi giá giảm tới 500 - 700 đồng/kg. Trong đó, giá cà phê Đắk Nông giảm mạnh nhất xuống 35.600 đồng/kg.
Tính chung toàn miền, giá cà phê dao động trong khoảng 35.100 - 35.900 đồng/kg. Giá cà phê TP HCM tuần qua giảm 800 đồng/kg xuống 37.300 đồng/kg.
Diễn biến giá cà phê tuần qua. Số liệu: tintaynguyen.com |
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk, trong niên vụ 2017 - 2018, diện tích cà phê toàn tỉnh là 204.808 ha, tăng 1.071 ha so với niên vụ trước.
Trong đó, diện tích cho sản phẩm 187.279 ha, năng suất bình quân đạt 24,55 tạ/ha. Tổng sản lượng ước đạt 459.785 tấn, tăng 11.975 tấn so với niên vụ 2016 - 2017.
Toàn tỉnh có 12 công ty được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột, với tổng diện tích trên 15.600 ha, sản lượng đăng ký 48.691 tấn/năm.
Tính đến hết niên vụ 2017 - 2018, các địa phương thực hiện tái canh cà phê được 26.818 ha, đạt 64,48% kế hoạch, riêng năm 2018 thực hiện tái canh được 4.862 ha, đạt 71% kế hoạch.
Về hoạt động chế biến và xuất khẩu, niên vụ 2017 - 2018 Đắk Lắk có 301 cơ sở chế biến cà phê, tăng 41 cơ sở so với niên vụ 2016 - 2017.
Xuất khẩu cà phê đạt 191.169 tấn, giảm 9.993 tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt 365 triệu USD, giảm 80,23 triệu USD so với niên vụ trước.
Dự kiến niên vụ 2018 - 2019, diện tích cà phê trên địa bàn tỉnh là 204.577 ha, giảm 231 ha so với niên vụ 2017 - 2018. Năng suất bình quân ước đạt 24,46 tạ/ha; tổng sản lượng ước khoảng 464.175 tấn.
Giá tiêu tuần qua
Giá tiêu tuần qua giảm mạnh tới 1.000 - 2.000 đồng/kg ở khu vực Tây Nguyên và miền Nam xuống còn 55.000 - 57.000 đồng/kg. Trong đó, giá tiêu ở tỉnh Gia Lai giảm mạnh nhất xuống 55.000 đồng/kg. Bình Phước là tỉnh duy nhất ghi nhận giá tiêu đi ngang ở mức 57.000 đồng/kg.
Diễn biến giá tiêu tuần qua. Số liệu: tintaynguyen.com |
Theo số liệu thống kê từ Bộ Thương mại Ấn Độ, nhập khẩu hạt tiêu của nước này trong 8 tháng đầu năm đạt 15.470 tấn, trị giá 86,91 triệu USD, giảm 15,9% về lượng và giảm 16,4% về trị giá so với 8 tháng năm 2017.
Việt Nam là thị trường cung cấp hạt tiêu lớn nhất cho Ấn Độ trong 8 tháng đầu năm, nhưng lượng nhập khẩu giảm 24% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Ấn Độ lại tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Sri Lanka, Brazil, Trung Quốc... Do đó, thị phần hạt tiêu của Việt Nam tại Ấn Độ giảm từ 42,7% xuống còn 38,6% trong 8 tháng năm 2018.
Nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam vào Ấn Độ giảm ngay từ đầu năm khi Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ có thông báo số 42/2015-2020 về việc thay đổi chính sách nhập khẩu đối với hạt tiêu. Đồng thời, nước này áp đặt mức giá sàn 500 rupee (khoảng 7,57 USD/kg) hạt tiêu nhập khẩu vào Ấn Độ, trên cơ sở giá CIF.
Quyết định này được đưa ra sau khi Hiệp hội Thương mại Tiêu và Gia vị Ấn Độ (IPSTA) gửi đơn kiến nghị lên chính phủ đề nghị nước này áp giá sàn nhập khẩu đối với mặt hàng tiêu đen từ các nước ASEAN.