Giá cà phê giảm, nhiều hộ chuyển sang trồng các loại cây khác
Áp lực cung tăng
Các hộ trồng cà phê robusta Việt Nam dự đoán rằng sản lượng vụ mùa năm nay sẽ tăng mạnh. Đây là thông tin tốt đối với các nhà sản xuất cà phê tan nhưng lại là tin xấu đối với những người nông dân bởi giá cà phê đang ở mức rất thấp do dư cung.
Nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk, khu vực trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam, cho biết, năm nay điều kiện thời tiết thuận lợi kèm theo chương trình tái canh giúp sản lượng cà phê tăng mạnh.
Tuy nhiên, họ lo ngại với việc sản lượng cà phê đạt kỷ lục sẽ càng gây áp lực lên giá vốn đang ở mức rất thấp vì nguồn cung dư thừa. Đồng thời, các quốc gia trồng cà phê lớn khác như Indonesia, Brazil và Comlombia cũng đang tăng sản lượng càng khiến áp lực giá giảm thêm lớn.
Diễn biến giá cà phê thế robusta thế giới từ tháng 9/2017 đến tháng 8/2018. Nguồn: Reuters |
Bộ Nông nghiệp Mỹ dự đoán sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2018 - 2019 đạt kỷ lục 29,9 triệu bao, tăng 2% so với niên vụ 2017 - 2018.
Nông dân không còn mặn mà với cây cà phê
Hầu hết lượng cà phê trồng ở Việt Nam là cà phê robusta, chiếm 40% tổng sản lượng cà phê toàn cầu. Ông Hồ Sỹ Trung – Giám đốc Công ty cổ phần cà phê Phước An nhận định với mức giá như hiện nay, nông dân khó lòng trang trải cho cuộc sống hàng ngày. Nhiều hộ đã chuyển sang trồng sầu riêng do nhu cầu của Trung Quốc đối với loại quả này tăng cao. Một số hộ khác chuyển sang trồng bơ hoặc hồ tiêu. Tuy nhiên, giá hồ tiêu hiện nay cũng giảm mạnh xuống đáy 10 năm. Đồng thời, loại cây này cũng đang chịu sự tàn phá của dịch bệnh.
Ông Trần Đức Thọ, Giám đốc Công ty Cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Cà Phê Đức Nguyên nhận định: “Khi nông dân cảm thấy cây cà phê không còn đem lại lợi nhuận, họ sẽ chuyển sang trồng các loài cây khác”. Ông Trung cho biết lợi nhuận mà cây sầu riêng mang lại cao hơn 8 - 10 lần so với cà phê.
Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (VICOFA) cho hay, hiện nay có nhiều thông tin dự báo khác nhau về tình hình thời tiết thuận lợi trong mùa vụ tới. Các địa phương vẫn đang trong thời kỳ tái canh cải tạo vườn cây cà phê nên nhiều vườn chưa cho thu hoạch. Tuy nhiên, một số diện tích tái canh lại chuyển sang trồng sầu riêng, bơ, chanh leo và cây khác có giá trị cao hơn, dẫn tới diện tích cà phê giảm.
Bà Carlos Mera, chuyên gia phân tích đến từ Ngân hàng Rabobank tại London cho rằng: “Giá bán cà phê đã tiến gần tới giá thành sản xuất. Đây là mức giá mà người dân không còn động lực để mở rộng sản xuất cà phê”.
Theo VICOFA, giá cà phê hiện đã chạm đáy 50 năm trong khi chi phí như nhân công, xăng dầu và các dịch vụ, phân bón, thuốc trừ sâu gia tăng. Nông dân không chú tâm vào chăm bón gây ảnh hưởng tới năng suất của mùa vụ.