|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ghìm cương lạm phát - Bài 1: Cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu sẽ về đâu?

06:51 | 18/04/2023
Chia sẻ
Lạm phát trên thế giới đang từng bước hạ nhiệt sau khi đạt đỉnh trong nhiều thập kỷ, thậm chí lên tới hai chữ số ở nhiều nền kinh tế.

Thời gian qua để đẩy lui lạm phát các ngân hàng trung ương đã phải mạnh tay triển khai chiến dịch thắt chặt tiền tệ chưa từng có, trong đó dẫn đầu là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Đến thời điểm này áp lực lạm phát đã phần nào dịu bớt, song tỷ lệ vẫn còn cao, buộc các nước phải có chiến lược ứng phó trước nguy cơ giá cả leo thang, đe dọa đà phục hồi còn mong manh của kinh tế thế giới.

TTXVN giới thiệu chùm bài "Ghìm cương lạm phát" phác họa nỗ lực của các nước, trong đó có Việt Nam, vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát vừa thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời coi đó là nhiệm vụ cấp bách trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Bài 1: Cuộc chiến chống lạm phát toàn cầu sẽ về đâu?

Sau khi tăng lên các mức cao kỷ lục trong năm ngoái, lạm phát tại các nền kinh tế lớn trên thế giới đang trong xu hướng giảm, nhờ những nỗ lực của các ngân hàng trung ương trong thắt chặt chính sách tiền tệ cũng như giá năng lượng giảm hay nhu cầu yếu hơn.

Trước tiến triển tích cực đó, đã có những nhận định về khả năng lãi suất sẽ dừng tăng. Tuy nhiên, những nỗ lực chống lạm phát được cho là chưa thể kết thúc, khi lạm phát vẫn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2% của nhiều nước.

Lạm phát tiếp tục "giảm tốc" từ mức đỉnh

Lạm phát giá tiêu dùng tại Mỹ đã giảm nhẹ trong tháng 1/2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), một thước đo lạm phát chính, đã giảm từ mức tăng gây sốc 9,1% hồi tháng 6/2022, khi Fed nỗ lực kiềm chế giá cả tăng vọt.

Nhờ tác động từ các chính sách của Fed đối với nền kinh tế, CPI trong tháng 1/2023 chỉ tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước, giảm nhẹ so với mức lạm phát của tháng 12/2022 và là mức tăng hàng năm thấp nhất kể từ tháng 10/2021. So với tháng 12/2022, CPI tháng 1/2023 tăng 0,5%, so với mức tăng 0,1% trong tháng 12/2022.

 Ảnh: TTXVN.

Trong tháng 2/2023, CPI lõi, không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, của Mỹ tăng 0,5% so với tháng 1/2023 và tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI tổng thể cũng tăng 0,4% trong tháng 2/2023 và 6% so với một năm trước đó.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 31/3 cho biết, chi tiêu của các hộ gia đình tăng 0,2% (sau điều chỉnh) trong tháng 2/2023 so với tháng trước đó. Kết quả này thấp hơn nhiều so với mức tăng 2% sau điều chỉnh của tháng 1/2023.

Lạm phát tiếp tục ảnh hưởng đến khả năng chi tiêu của người Mỹ. Khi được điều chỉnh theo giá tăng, chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ trong tháng 2/2023 đã giảm 0,1% so với tháng trước đó, sau khi tăng 1,5% trong tháng 1/2023.

Trong khi đó, lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 3/2023 "giảm tốc" còn 6,9%, khi giá năng lượng giảm 0,9%, sau khi tăng 13,7% trong tháng 2/2023. 

Tại Đức, giá tiêu dùng tăng 7,4% trong tháng 3/2023, sau khi tăng 8,7% trong hai tháng đầu năm. Còn tại Pháp, lạm phát ở mức 5,6% trong tháng 3/2023, so với mức 6,3% trong tháng 2/2023. Trong số 20 quốc gia sử dụng đồng euro, Luxembourg (Lúc-xăm-bua) có mức lạm phát thấp nhất là 3% trong tháng 2/2023.

Lạm phát tại Eurozone trong tháng 2/2023 là 8,5%, giảm nhẹ so với mức 8,6% của tháng 1/2023. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản (không bao gồm giá lương thực và năng lượng dễ biến động) đã tăng từ 5,3% trong tháng 1/2023 lên mức kỷ lục mới 5,6% vào tháng 2/2023.

Trong bối cảnh lạm phát cao, doanh số bán lẻ tại Eurozone chỉ tăng 0,3% trong tháng 1/2023, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng. So với trước đó một năm, doanh số bán lẻ tại 20 quốc gia Eurozone đã giảm 2,3%, nhu cầu tiêu dùng đang rất yếu.

Doanh số bán lẻ vẫn có xu hướng giảm kể từ tháng 11/2021. Nhưng số liệu này cho thấy tốc độ giảm đã nhanh hơn kể từ mùa thu năm ngoái.

Chuyên gia kinh tế Alexander Mirlicourtois cho rằng các gia đình tại Eurozone phải cân đối giữa sức mua có nguy cơ suy giảm và mong muốn tiết kiệm nhiều hơn. Về sản phẩm, họ sẽ giảm mua quần áo, đồ gia dụng và ô tô. Về dịch vụ, đi ăn bên ngoài, du lịch, giải trí, sản phẩm chăm sóc cá nhân… sẽ bị cắt giảm trước tiên.

Tại Nhật Bản, CPI lõi trong tháng 2/2023 tăng 3,1%, giảm nhẹ từ mức cao nhất trong 4 thập kỷ, nhờ các trợ cấp của chính phủ về giá các mặt hàng cơ bản. Tuy nhiên, giá thực phẩm vẫn tăng, có thể ảnh hưởng đến tâm lý tiêu dùng của các hộ gia đình.

Đây là lần đầu tiên sau 13 tháng, tốc độ tăng của lạm phát có xu hướng chậm lại ở Nhật Bản.

Với Trung Quốc, theo Tổng cục Thống kê Quốc gia (NBS), lạm phát giá tiêu dùng trong tháng 2/2023 giảm xuống mức thấp nhất trong một năm, khi nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch và chi tiêu mạnh dịp Tết Nguyên đán.

CPI tháng 2/2023 tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 2,1% trong tháng 1/2023. Mức tăng trong tháng Hai là thấp nhất kể từ tháng 2/2022. Theo nhà thống kê của NBS, Dong Lijuan, lạm phát giảm là do nhu cầu tiêu dùng giảm sau các kỳ nghỉ cũng như việc nguồn cung trên thị trường đảm bảo.

Theo các nhà phân tích, CPI giảm là nhờ giá thực phẩm giảm và người tiêu dùng chi tiêu thận trọng, dù Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại sau ba năm thực hiện chính sách "Không COVID".

Trung Quốc ít chịu tác động từ việc giá cả tăng mạnh trên toàn cầu cũng như xung đột giữa Nga và Ukraine (U-crai-na).

Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiếp diễn

Lạm phát dù hạ nhiệt vẫn ở mức cao cho thấy nỗ lực chống lạm phát của Fed chưa thể kết thúc. Nhiệm vụ kiềm chế lạm phát của Fed tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Thách thức đối với Fed hiện nay là làm thế nào để kiềm chế lạm phát vẫn ở mức quá cao mà không gây ra những rủi ro về ổn định tài chính sau sự sụp đổ của hai ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank.

Các nhà đầu tư Mỹ đang dự báo khả năng Fed kết thúc chu kỳ tăng lãi suất trong năm 2023. Một số ý kiến cho biết các nhà đầu tư phố Wall nhận định rằng đợt tăng lãi suất của Fed ngày 22/3 vừa qua là đợt tăng lãi suất cuối cùng trong nỗ lực nhằm kiểm soát tình hình lạm phát do các tác động từ cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng tại Mỹ thời gian gần đây.

Việc ngân hàng Silicon Valley Bank và Signature Bank phá sản, cùng với việc UBS nhanh chóng thâu tóm ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse được cho là đã làm thay đổi các tính toán của Fed. Trong một năm qua, Fed ưu tiên cho cuộc chiến chống lạm phát, vốn ở mức cao kỷ lục 40 năm, khi chín lần tăng lãi suất từ mức gần bằng 0.

Trong một tuyên bố mới đây, Fed khẳng định lạm phát vẫn ở mức cao và cần phải được đưa về mức bình thường. Ngân hàng này tuyên bố mục tiêu đưa lạm phát về mức 2% chưa có gì thay đổi.

Các nhà hoạch định chính sách của Fed tin rằng có thể chỉ cần thêm một đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay để đẩy lùi lạm phát. Nhưng sang năm tới, Fed sẽ ít nới lỏng chính sách tiền tệ hơn so với mức mà hầu hết giới quan sát từng nhận định là phù hợp.

Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách nhận thấy lạm phát tính theo biện pháp ưu tiên của Fed sẽ giảm xuống 3,3% trong quý cuối cùng của năm nay. Tốc độ hướng tới mục tiêu lạm phát 2% của Fed đang chậm hơn so với dự kiến vào tháng 12 năm ngoái.

Nhiều đánh giá vẫn lo ngại về khả năng Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào tháng 5/2023, song việc giữ nguyên mức lãi suất hiện tại được cho là có khả năng xảy ra nhất.

Trong khi đó, mặc dù giảm so với mức đỉnh 10,6% trong tháng 10/2022, lạm phát tại Eurozone vẫn vượt xa mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đặt ra. 

Trong bài phát biểu ngày 24/3, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức Joachim Nagel cho rằng trong cuộc chiến chống lạm phát, ECB không nên từ bỏ sớm việc tăng lãi suất.

Theo ông Nagel, thời gian qua, ECB đã thực hiện một bước ngoặt chưa từng có trong chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát. Chỉ trong vòng chín tháng từ tháng 7/2022, ECB đã 6 lần tăng lãi suất với tổng mức tăng là 350 điểm cơ bản. Nhưng hiện tại, tỷ lệ lạm phát ở Eurozone vẫn còn cách rất xa mục tiêu 2% của ECB. Do đó cần phải giữ mức lãi suất đủ cao trong thời gian cần thiết để đảm bảo ổn định giá cả lâu dài.

Ông Nagel cho rằng nếu tình hình lạm phát của Eurozone diễn biến theo đúng dự báo, ở mức 5,3% trong năm nay, điều này không nên dẫn đến việc dừng tăng lãi suất, vì khu vực Eurozone vẫn chưa giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lạm phát.

Lạm phát tại Nhật Bản cũng cao hơn mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đặt ra trong gần 1 năm, đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương này vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với sức ép phải rút lại chính sách kích thích tiền tệ.

BoJ cho biết lạm phát tăng chỉ mang tính tạm thời, vì phụ thuộc vào chi phí nhập khẩu tăng. Ngân hàng dự báo CPI lõi sẽ dưới mục tiêu 2% trong năm nay. BoJ đặt mục tiêu lạm phát ổn định đi kèm với tăng trưởng lương mạnh mẽ.

Với Trung Quốc, các nhà kinh tế nhận định giá tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ tăng trong những tháng tới, khi nước này đẩy lùi được dịch và chi tiêu trở lại bình thường.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 6/4 cho rằng các ngân hàng phải tiếp tục chống lạm phát trong điều kiện khó khăn và phức tạp hơn. Theo bà, các ngân hàng trung ương vẫn cần ưu tiên cho cuộc chiến chống lạm phát và nhờ đó đảm bảo sự ổn định tài chính thông qua nhiều công cụ.

Bà nhấn mạnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng tác động đến tăng trưởng kinh tế của toàn cầu, đồng thời cảnh báo sự giảm tốc ở gần như tất cả các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới được cho là sẽ kéo tăng trưởng kinh tế của toàn cầu xuống dưới 3% trong năm nay.

(Tiếp theo: Ghìm cương lạm phát - Bài 2: Các ngân hàng trung ương “đeo đuổi” con đường tăng lãi suất)

Lê Minh (Tổng hợp)

Chủ tịch SSI: Rủi ro lớn nhất của thị trường nằm ở niềm tin nhà đầu tư
Công ty chứng khoán đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 8.112 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 3.398 tỷ đồng. So với kết quả 2023, các chỉ tiêu này tăng lần lượt 13% và 19% và là mức cao kỷ lục.