Gen Z Mỹ ngày càng chuộng các dịch vụ 'mua trước, trả sau'
Từ Klarna đến Affirm và Afterpay, nhiều dịch vụ “mua trước, trả sau” (buy now, pay later – BNPL) đang mọc lên như một giải pháp thay thế phổ biến cho thẻ tín dụng truyền thống. Xu hướng này được những người tiêu dùng trẻ tuổi rất ưa chuộng, theo CNBC Make It.
Các khoản vay nhỏ này từ những dịch vụ BNPL cho phép người dùng chia một giao dịch mua thành nhiều khoản thanh toán bằng nhau để được trả theo từng mốc thời gian, thường là ít hoặc không phải trả lãi suất.
Chính sự tiện lợi này đã giúp xu hướng BNPL bùng nổ đối với những người dùng thuộc Gen Z (những người sinh ra từ năm 1997 đến năm 2012), theo báo cáo “Buy Now, Pay Later Tracker” của PYMNTS, một đơn vị theo dõi thông tin và phân tích dữ liệu ngành tài chính có trụ sở tại Mỹ.
Trong cuộc khảo sát với người dùng thuộc nhiều thế hệ, gần 60% người tham gia khảo sát cho biết họ thích hình thức mua sắm ngay bây giờ và trả tiền sau qua thẻ tín dụng nhờ sự đơn giản trong thanh toán, quá trình phê duyệt đơn giản và quan trọng hơn là không tính các khoản phí lãi suất, theo kết quả báo cáo của PYMNTS.
Christine Roberts, người đứng đầu Citizens Pay, một lựa chọn dịch vụ “mua trước, trả sau” được cung cấp bởi Citizens Bank cho biết, một trong những lý do chính khiến những người trẻ tuổi dễ bị thu hút bởi các dịch vụ BNPL là vì nhiều người trong số họ đã chứng kiến cảnh cha mẹ của họ phải vật lộn với khoản thanh toán nợ từ thẻ tín dụng.
Bà Christine Roberts chia sẻ: “Những thông tin minh bạch về khoảng thời gian mà một người dùng cần để trả các khoản thanh toán cũng là chìa khóa để các dịch vụ BNPL thu hút sự quan tâm của Gen Z và người dùng ở các thế hệ khác”.
Khi nói đến việc mua các sản phẩm đắt tiền, “thế hệ Gen Z rất muốn hiểu khung thời gian mà họ cần để thanh toán cho sản phẩm”, bà Roberts nói. "Tùy chọn trả sau theo một khung thời gian nhất định cho phép các sản phẩm đắt tiền trở nên phù hợp hơn với ngân sách của người tiêu dùng trẻ và họ sẽ biết khi nào các khoản thanh toán sẽ kết thúc”.
Ngược lại, các loại thẻ tín dụng thường tính toán khoản thanh toán tối thiểu hàng tháng dựa trên số dư tổng thể của thẻ hơn là các giao dịch mua bán riêng lẻ. Điều này khiến những người tiêu dùng trẻ tuổi cảm thấy bối rối và áp lực.
Cũng giống như thẻ tín dụng, các dịch vụ “mua trước, trả sau” cũng có thể khiến người dùng đối mặt với nguy cơ nợ chồng chất nếu không có một kế hoạch chi tiêu cẩn thận và tiết kiệm.
Các dịch vụ “mua trước, trả sau” được ra đời để khuyến khích người tiêu dùng mua nhiều hơn và vay nhiều hơn, điều này có thể khiến người đi vay phải vay một số khoản vay trong một khoảng thời gian ngắn từ nhiều người cho vay mà họ có thể không trả lại được, Cục Bảo vệ Tài Chính cho Người tiêu dùng, một cơ quan của chính phủ Mỹ đưa ra cảnh báo.
Đối với người dùng, điều quan trọng là phải hiểu đầy đủ các điều khoản và điều kiện của bất kỳ gói thanh toán nào mà bản thân chọn sử dụng và luôn cập nhật các khoản thanh toán của mình để tránh các khoản phí phát sinh có thể xảy ra.