|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Apple thử nghiệm dịch vụ 'mua trước, trả sau', để ngỏ khả năng đi sâu hơn trong mảng tài chính

10:10 | 08/02/2023
Chia sẻ
Dịch vụ "mua trước, trả sau" của Apple có tên Apple Pay Later, thực tế đã được lên kế hoạch ra mắt vào cuối năm ngoái. Tuy nhiên, vì một số lý do khác nhau mà dịch vụ này hiện mới bắt đầu được thử nghiệm nội bộ.

Apple Inc. đã mở rộng thử nghiệm nội bộ về dịch vụ “mua trước, trả sau” (Buy Now, Pay Later – BNPL) cho hàng nghìn nhân viên bán lẻ của công ty, một dấu hiệu cho thấy tính năng được chờ đợi từ lâu cuối cùng cũng sắp ra mắt công chúng, theo thông tin mới được Bloomberg đăng tải.

Gã khổng lồ công nghệ nước Mỹ đã liên hệ với các nhân viên bán lẻ trong tuần này để cung cấp cho họ phiên bản thử nghiệm của dịch vụ, theo thông tin được các nhân viên Apple chia sẻ với Bloomberg.

Apple đang thử nghiệm nội bộ dịch vụ "mua trước, trả sau". (Ảnh: CNBC).

Yêu cầu thử nghiệm dịch vụ, được gọi là Apple Pay Later, cho phép người mua hàng chia khoản thanh toán mua hàng thành nhiều đợt. “Táo khuyết” trước đây cũng đã triển khai một thử nghiệm cho nhân viên của công ty.

Việc cung cấp dịch vụ BNPL sẽ đưa Apple vào một thị trường tài chính đang phát triển nhanh chóng, nhưng Apple thực tế đã phải đối mặt với một số thất bại. Dịch vụ này được công bố lần đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái và được lên kế hoạch phát hành vào tháng 9 năm ngoái như một phần của iOS 16.

Tuy nhiên, thực tế dịch vụ này vẫn chưa được triển khai theo đúng tiến độ. Thay vào đó, dịch vụ này đã bị trì hoãn cho đến năm 2023 sau những thách thức về mặt kỹ thuật, theo những thông tin được Bloomberg đăng tải trước đó. Dịch vụ này sẽ chạy trên một nền tảng tài chính mới mà Apple đã thiết kế cho các sáng kiến nội bộ.

Công ty đã sử dụng chiến lược triển khai tương tự với các sản phẩm tài chính trước đây. Vào năm 2019, Apple đã giới thiệu thẻ tín dụng Apple Card cho nhân viên bán lẻ khoảng một tháng trước khi ra mắt công chúng. Phát ngôn viên của Apple đã từ chối bình luận về vấn đề này.

Phiên bản đầu tiên của dịch vụ mới sẽ cho phép người tiêu dùng thanh toán các khoản giao dịch mua được thực hiện thông qua Apple Pay thành 4 đợt trả trong 6 tuần, không tính lãi hoặc phí.

Công ty cũng đang phát triển một phiên bản của dịch vụ có tên Apple Pay Monthly Installments, hợp tác với ngân hàng đầu tư nổi tiếng Goldman Sachs Group Inc. Dịch vụ này sẽ chia nhỏ chi phí của các giao dịch lớn trong vài tháng cùng với một mức lãi suất. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về dịch vụ này hiện vẫn chưa được công bố.

Để ra mắt Apple Pay Later, nhà sản xuất iPhone đã thành lập một công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn có tên Apple Financing LLC. Việc thành lập công ty con này cho phép gã khổng lồ có trụ sở tại Cupertino, California tự xử lý việc cho vay mà không cần thông qua các đối tác.

Apple hiện có khoảng 270 cửa hàng tại Mỹ và hơn 80.000 nhân viên trên cả nước, cho phép công ty nhanh chóng thử nghiệm tính năng này với một lượng lớn người dùng.

Thực tế, từ lâu, các công ty công nghệ đã nhìn nhận tài chính là cách để củng cố mối quan hệ với khách hàng. Dù vậy, phần lớn chọn cách hợp tác với các đối tác ngân hàng hoặc fintech để triển khai các dịch vụ ở mảng tài chính. Điều này tạo ra sự khác biệt trong kế hoạch của Apple.

Theo Wall Street Journal, kinh nghiệm của Apple khi triển khai dịch vụ thẻ tín dụng đóng vai trò quan trọng trong việc thuyết phục các lãnh đạo cấp cao dấn thân vào mảng BNPL.

Anh Nguyễn

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.