|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Một kỳ lân trong mảng mua trước trả sau huy động vốn 'khủng' giữa mùa đông kinh tế

15:25 | 23/03/2023
Chia sẻ
Buy Now Pay Later (BNPL) hay mua trước trả sau là một giải pháp tài chính mới hỗ trợ người tiêu dùng trong việc mua sắm và dù trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu, startup Kredivo vẫn tiếp tục huy động vốn đầu tư lớn.

Theo Bloomberg, công ty công nghệ tài chính (Fintech) Kredivo Holdings đã huy động được khoảng 270 triệu USD vốn cổ phần, bất chấp sự điều chỉnh của thị trường khiến nhiều công ty khởi nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn mới.

Công ty có trụ sở tại Singapore là nhà điều hành nền tảng fintech Kredivo và Krom Bank Indonesia, đã đạt được thỏa thuận rót vốn do Mizuho Financial Group dẫn đầu. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư như Square Peg Capital, Jungle Ventures và Naver cũng tiếp tục tham gia trong vòng Series D này. Giá trị vòng gọi vốn mới vẫn chưa được tiết lộ.

Việc Kredivo huy động vốn thành công cho thấy một số công ty khởi nghiệp vẫn đang tìm được nguồn vốn ngay cả khi lĩnh vực đầu tư mạo hiểm đang vật lộn với lãi suất tăng, lạm phát cao và suy thoái công nghệ.

Thay vì mạnh tay chi tiền như trước, các nhà đầu tư đang trở nên kén chọn hơn và đưa ra các điều khoản khắt khe hơn.

Kỳ lân trong lĩnh vực Fintech của Đông Nam Á, Kredivo. (Ảnh: Getty Images).

Vòng gọi vốn mới của Kredivo là vòng gọi vốn lớn nhất được công bố ở châu Á kể từ khi Silicon Valley Bank sụp đổ gây sốc cho hệ sinh thái khởi nghiệp.

Năm ngoái, Kredivo đã tìm kiếm nguồn tài trợ với mức định giá trước khi gọi vốn là 1,5 tỷ USD, công ty cũng từng có ý định thực hiện sáp nhập SPAC (sáp nhập với công ty rỗng - PV) nhưng kế hoạch này đã thất bại. Trước đó, kỳ lân Đông Nam Á này đã đạt mức định giá khoảng 2 tỷ USD.

Abhijay Sethia,  giám đốc chiến lược của Kredivo, cho biết công ty đang triển khai dịch vụBuy Now Pay Later (Mua trước trả sau - BNPL)  và họ sẽ sử dụng nguồn tiền mới để xây dựng sự hiện diện của mình tại các cửa hàng vật lý. Đồng thời, Kredivo cũng có kế hoạch mở rộng sang lĩnh vực ngân hàng kỹ thuật số có tính cạnh tranh cao của Indonesia.

Những công ty công nghệ tài chính trong khu vực Đông Nam Á đang tích cực mở rộng sản phẩm dịch vụ tài chính ở Indonesia - quốc gia có khoảng 273 triệu dân, nơi nhiều người có quyền truy cập hạn chế vào tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng.

Sethia cho biết Kredivo đã cung cấp các khoản vay và thanh toán tiêu dùng trong 7 năm, mang lại lợi thế trước các đối thủ cạnh tranh từ các ngành như thương mại điện tử, gọi xe và game.

Giám đốc chiến lược Kredivo nói: “Những gì người Indonesia cần vào thời điểm này là khả năng tiếp cận tín dụng, điều mà họ đã thiếu trầm trọng trong nhiều năm."

Đối thủ của Kredivo, Akulaku do Ant Group (thuộc Tập đoàn Alibaba) hậu thuẫn, có cổ phần trong Ngân hàng Neo Commerce có trụ sở tại Jakarta. Trong khi, Sea - công ty mẹ của sàn TMĐT Shopee đã mua lại Ngân hàng BKE vào năm 2021 để có chỗ đứng trong lĩnh vực công nghệ tài chính.

Nền tảng gọi xe và giao đồ ăn Grab Holdings cũng đã hợp tác với Singapore Telecommunications để mua cổ phần của Ngân hàng Fama - hiện tại, đơn vị này có tên là Super Bank Indonesia. Năm 2021, đối thủ Gojek cũng đã chi khoảng 160 triệu USD để tăng tỷ lệ sở hữu trong Ngân hàng PT Jago .

Trong năm 2021, Kredivo và Phoeniz đã thống nhất sẽ hợp tác với CTCP VietCredit để triển khai dịch vụ mua trước trả sau tại Việt Nam. 

 “Việt Nam là một lựa chọn hợp lý, do tỷ lệ sử dụng thẻ tín dụng trong nước thấp và tầng lớp trung lưu đang tăng nhanh. Thêm vào đó, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng đang phát triển nhanh chóng, có sự tương đồng về mô hình nhân khẩu học và tiêu dùng ở Indonesia'', Giám đốc điều hành của Kredivo, Valery Crottaz cho biết khi tiến vào thị trường Việt Nam.

Thùy Trang