Lợi nhuận Gemadept tăng 86% quý I nhờ nguồn thu đột biến từ công ty liên doanh, liên kết
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của CTCP Gemadept (Mã: GMD), doanh thu thuần trong kỳ đạt 880 tỷ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các chi phí biến động không quá lớn trong kỳ song lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết của Gemadept tăng đột biến gấp 5 lần quý I/2021 lên 125,5 tỷ đồng kỳ này. Kết quả, Gemadept ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng gần 86% lên 319 tỷ đồng quý I. Lãi ròng đạt gần 274 tỷ đồng.
Năm 2022, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 3.800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.000 tỷ đồng, tương ứng tăng 19% và tăng 24% so với năm 2021. Như vậy sau quý đầu năm, Gemadept đã thực hiện được 23% mục tiêu doanh thu và gần 32% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Về tình hình tài chính, tại ngày 31/3, tổng tài sản của Gemadept đạt 10.974 tỷ đồng. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là tài sản cố định (3.198 tỷ0, tiếp đó là khoản đầu tư vào công ty liên doanh liên kết với giá trị gần 2.906 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/3, lợi nhuận phát sinh của riêng CTCP Dịch vụ Hàng hoá Sài Gòn tăng 40 tỷ, CTCP Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link tăng 38 tỷ, Công ty TNHH CJ Gemadept Shipping Holdings tăng 13 tỷ so với đầu năm. Đây cũng là nguyên nhân chính giúp lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết của Gemadept tăng đột biến trong kỳ này.
Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn tại thời điểm cuối quý là 629 tỷ đồng, giảm 30 tỷ so với đầu năm.
Tổng nợ đi vay tại ngày 31/3 là 1.876 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay dài hạn với ngân hàng là 935 tỷ và nợ vay ngắn hạn của ngân hàng là 318 tỷ. Còn lại là khoản vay đến từ các tổ chức khác. Ba tháng đầu năm, tổng chi phí lãi vay của Gemadept là gần 30 tỷ.
Trong quý I, Gemadept đã đi vay 216 tỷ đồng đồng thời trả nợ gốc vay gần 253 tỷ và trả nợ gốc thuê tài chính gần 11 tỷ.
Vốn chủ sở hữu cuối kỳ của Gemadept là 7.366 tỷ đồng với 933 tỷ là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.