|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

GDP Trung Quốc tăng 5,3% trong quý I, vượt dự báo của các chuyên gia

10:45 | 16/04/2024
Chia sẻ
Khi so với cùng kỳ năm trước hay tháng liền kề, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong ba tháng đầu năm của Trung Quốc cũng cao hơn dự báo của các nhà phân tích.

Công nhân làm việc trong một dây chuyền lắp ráp máy móc thông minh tại Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images). 

Dữ liệu công bố ngày 16/4 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý đầu năm 2024. Điều này cho thấy các quan chức đã đạt được một số thành tựu trong nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế. Trong thời gian qua, giới chức trách Trung Quốc đã triển khai một số biện pháp chính sách tài khoá và tiền tệ để đạt có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 5%.

Dữ liệu của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy GDP quý I tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn hẳn ước tính của các nhà phân tích do Reuters khảo sát là 4,6%. Tốc độ này cũng cao hơn mức tăng trưởng 5,2% trong quý IV/2023.

Ông Jeff Ng, trưởng bộ phận chiến lược vĩ mô châu Á của ngân hàng SMBC, bình luận: “Số liệu GDP quý I là dấu hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng cả năm của Trung Quốc. Động lực tăng trưởng có vẻ đang ổn định, bằng chứng là dữ liệu tháng 3 không tạo ra bất ngờ.

Tôi nghĩ tâm lý chung tại Trung Quốc vẫn đang thiên về hướng bi quan. Tôi dự đoán sẽ có một số sự đảo chiều, có thể là từ quý cuối cùng của năm 2024”.

Khi so với quý liền trước, GDP quý I của Trung Quốc tăng 1,6%, cũng cao hơn dự đoán 1,4% của giới phân tích.  

 

Nền kinh tế số hai thế giới đang cố gắng tạo ra cuộc phục hồi mạnh mẽ và bền vững sau đại dịch. Để làm được điều này, Trung Quốc sẽ phải vượt qua một số thách thức, bao gồm cuộc khủng hoảng kéo dài của thị trường bất động sản, khối nợ lớn của các chính quyền địa phương và sức chi tiêu yếu của khu vực tư nhân.

Tuần trước, Fitch đã hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm của Trung Quốc xuống tiêu cực. Lý do Fitch đưa ra là các rủi ro liên quan đến hệ thống tài chính công khi Trung Quốc tăng cường chi tiêu để biến cơ sở hạ tầng và lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thành động cơ tăng trưởng mới thay cho bất động sản.

Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn đang ngần ngại chi tiêu và doanh nghiệp thiếu niềm tin để mở rộng. Lạm phát giá tiêu dùng của Trung Quốc hạ nhiệt nhiều hơn dự kiến trong tháng 3, trong khi đó tình trạng giảm phát giá sản xuất vẫn tiếp diễn. Điều này càng làm tăng thêm lời kêu gọi của thị trường rằng Bắc Kinh cần tung ra thêm biện pháp kích thích để hỗ trợ nhu cầu.

Nền kinh tế số hai thế giới có khởi đầu tốt trong năm 2024, nhưng dữ liệu xuất khẩu, lạm phát và tín dụng tháng 3 cho thấy động lực có nguy cơ sa sút trở lại.

Dữ liệu riêng biệt về sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ - được công bố cùng với báo cáo GDP - cũng báo hiệu động lực kinh tế đang giảm tốc.

Trong tháng 3, sản lượng công nghiệp tăng 4,5% so với một năm trước, thấp hơn dự báo 6% và mức tăng trưởng 7% trong giai đoạn hai tháng đầu năm. Doanh số bán lẻ tăng 3,1%, kém hơn kỳ vọng là 4,6%.

Ông Alvin Tan, Giám đốc đầu tư ngoại hối châu Á tại ngân hàng RBC Capital Markets, nhận xét: “Thoạt nhìn, số liệu GDP ba tháng đầu năm của Trung Quốc có vẻ tốt. Nhưng tôi nghĩ động lực tăng trưởng đã suy yếu trong tháng cuối cùng”.

Giang

[Infographic] Bức tranh kinh tế vĩ mô 4 tháng đầu năm qua các con số
Trong 4 tháng đầu năm, xuất hiện nhiều điểm sáng của nền kinh tế như: Xuất siêu hơn 8 tỷ USD, sản xuất công nghiệp phục hồi tăng trưởng 6%, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6,2 triệu lượt khách, cao hơn cả cùng kỳ năm 2019. Dù vậy, nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn cả số doanh nghiệp gia nhập thị trường.