|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Gần 400 doanh nghiệp đã cổ phần hóa… né lên sàn

08:54 | 17/12/2016
Chia sẻ
Theo con số vừa được Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính công bố, hiện còn gần 400 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, nhưng đến nay vẫn chưa đưa cổ phiếu lên sàn theo quy định, gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực.

Nhiều hệ lụy xấu

“Việc thực hiện đăng ký lưu ký, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa còn hạn chế. Còn gần 400 doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa, nhưng chưa đưa cổ phiếu lên thị trường giao dịch tập trung theo quy định. Điều này gây nên nhiều hệ lụy tiêu cực”, ông Phạm Hải An, Phó Trưởng phòng Đổi mới, sắp xếp và Phát triển doanh nghiệp, Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết tại Hội nghị triển khai một số chính sách mới về cổ phần hóa và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, do Bộ Tài chính, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) phối hợp tổ chức ngày 15/12.

Hệ lụy đầu tiên của việc doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn, theo ông An là làm phát sinh không ít tranh chấp liên quan đến chuyển nhượng cổ phiếu đang trong thời gian hạn chế chuyển nhượng. Có trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần ưu đãi biểu quyết trong khi theo quy định không được phép chuyển nhượng.

“Doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn đã khiến cho việc đấu giá cổ phần của doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa trở nên kém hấp dẫn, đặc biệt là đối với thu hút nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách”, ông An nói.

Một tác động tiêu cực nữa của việc doanh nghiệp chậm đưa cổ phiếu lên sàn sau khi chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), theo đánh giá của Bộ Tài chính, là ảnh hưởng xấu đến mức độ thành công của các đợt IPO do số lượng nhà đầu tư tham gia thấp, giá đấu thành công thấp, ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân sách nhà nước.

Để dần khắc phục tình trạng doanh nghiệp chây ì thực hiện nghĩa vụ lên sàn, Chính phủ, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều quy định mới. Hệ thống quy định này nhằm giải quyết hai nhóm vấn đề: xử lý các doanh nghiệp đã IPO nhiều năm nay, nhưng không đưa cổ phiếu lên sàn; ngăn ngừa để không phát sinh mới các doanh nghiệp không tuân thủ nghĩa vụ đưa cổ phiếu lên đăng ký giao dịch trên UPCoM hoặc niêm yết trên HNX và Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE).

Theo đó, đối với nhóm giải pháp thứ nhất là tạo sức ép để buộc các doanh nghiệp vi phạm thời hạn về đưa cổ phiếu lên sàn theo quy định tại Quyết định 51/2014 về một số nội dung thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của doanh nghiệp nhà nước, Nghị định 60/2015 hướng dẫn Luật Chứng khoán, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chánh Thanh tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, chế tài xử phạt quy định tại Nghị định 145/2016 sửa đổi Nghị định 108/2013, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/12.

“Thực ra nhà quản lý đưa ra chế tài không phải nhằm xử phạt doanh nghiệp, mà điều quan trọng là nhằm nâng cao ý thức tự tuân thủ của doanh nghiệp, chỉ khi cố tình vi phạm thì mới phải áp dụng chế tài để đảm bảo tính răn đe. Mức xử phạt các doanh nghiệp vi phạm quy định về chậm đưa cổ phiếu lên sàn rất cao, tùy theo thời gian vi phạm dài hay ngắn”, bà Hương nói.

Ở nhóm giải pháp thứ hai là không để phát sinh thêm các trường hợp doanh nghiệp sau IPO không đưa cổ phiếu lên sàn, ông An cho biết, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 115/2016 sửa đổi Thông tư 196/2011 hướng dẫn bán cổ phần lần đầu và quản lý, sử dụng tiền từ cổ phần hóa. Điểm mới nổi bật của quy định mới này là tích hợp 1 bộ hồ sơ để thực hiện việc đấu giá cổ phần, đăng ký lưu ký chứng khoán và đăng ký giao dịch trên UPCoM, thay vì phải làm 3 bộ hồ sơ như trước đây. Khi nhà đầu tư hoàn tất nộp tiền mua cổ phần, thì sở giao dịch chứng khoán sẽ tự động chuyển danh sách cổ đông sang Trung tâm Lưu ký để hạch toán chứng khoán vào tài khoản của nhà đầu tư, đồng thời tự động đưa cổ phiếu lên sàn để thuận lợi cho giao dịch của nhà đầu tư.

Triển khai vẫn vướng

Thực tế triển khai các quy định mới về gắn cổ phần hóa với lên sàn, nghĩa vụ của công ty đại chúng…, theo phản ánh của các tổ chức tư vấn lẫn các doanh nghiệp, đang bộc lộ không ít vướng mắc, bất cập.

Đại diện Công ty chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) phản ánh, khái niệm công ty đại chúng đang bộc lộ sự thiếu hợp lý khi các doanh nghiệp nhà nước tiến hành IPO, sau khi trở thành công ty cổ phần do không hội đủ tiêu chí là công ty đại chúng (có trên 100 cổ đồng, vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở lên), thì có phải đăng ký là công ty đại chúng không và có phải lên sàn UPCoM không?

Ông Phạm Hải An giải đáp, sau khi chào bán cổ phần ra đại chúng, ngay cả khi doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện trở thành công ty đại chúng, thì vẫn phải đăng ký lưu ký và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Một vướng mắc nữa mà SHS nêu ra là theo quy định hiện hành, khi doanh nghiệp bán đấu giá cổ phần có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên, thì thực hiện qua sở giao dịch chứng khoán, còn dưới 10 tỷ đồng thì thực hiện qua các tổ chức trung gian tài chính, trong đó có công ty chứng khoán. Câu hỏi đặt ra là sau khi bán đấu giá cổ phần qua sở giao dịch chứng khoán, doanh nghiệp đồng thời thực hiện đăng ký lưu ký cổ phiếu tại Trung tâm Lưu ký và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM. Vậy khi doanh nghiệp bán đấu giá cổ phần qua công ty chứng khoán thì có áp dụng quy trình này không?

Giải đáp câu hỏi của Tổng công ty Lilama, hồ sơ lên UPCoM yêu cầu báo cáo tài chính có kiểm toán, vậy tổ chức kiểm toán ở đây có bắt buộc phải trong danh sách được UBCK chấp thuận, ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX cho biết, theo quy định hiện hành, hồ sơ đưa cổ phiếu lên UPCoM yêu cầu phải có báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền trước năm lên đăng ký giao dịch. Tổ chức kiểm toán ở đây chỉ cần là đơn vị kiểm toán độc lập. Còn nếu doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký niêm yết, thì báo cáo tài chính phải được kiểm toán bởi tổ chức kiểm toán trong danh sách được UBCK chấp thuận.         

Bất ngờ với câu hỏi “sàn UPCoM là gì?”

Ông Nguyễn Anh Phong, Phó tổng giám đốc HNX

Câu hỏi tưởng như rất… xưa này đã được doanh nghiệp nêu ra, phần nào cho thấy bản thân các doanh nghiệp chưa nắm bắt được những quy định tưởng chừng quá đơn giản. Điều này cũng phần nào giải thích tại sao đến nay nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định về đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM.

Kèm theo đó, các doanh nghiệp cũng đặt câu hỏi lên sàn họ được gì; có bị thâu tóm không, nếu có thì cách nào để chống thâu tóm…? Đây là tâm tư của lãnh đạo nhiều doanh nghiệp khi tham gia thị trường chứng khoán. Tuy nhiên nó cũng cho thấy, họ chưa nắm được các quy định về thị trường này. Đây là điều các cơ quan quản lý, tổ chức thị trường cần lưu ý để khắc phục trong thời gian tới nhằm triển khai có hiệu quả các quy định mới về gắn đấu giá với đưa cổ phiếu lên sàn giao dịch chứng khoán tập trung.

Từ 15/12, Chế tài xử phạt doanh nghiệp chậm lên sàn bắt đầu có hiệu lực

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Phó chánh thanh tra, UBCK

Nghị định 145/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/12/2016. Trong đó phạt tiền từ mức thấp nhất là 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi chậm đến 1 tháng và cao nhất là 300 - 400 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký hoặc chậm đăng ký giao dịch, niêm yết chứng khoán trên 12 tháng.

Đây là mức phạt tiền rất cao tại Nghị định. Việc bổ sung và áp dụng chế tài này sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện nghĩa vụ niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK, qua đó hỗ trợ thực hiện chủ trương thúc đẩy cổ phần hóa, tăng cường hiệu quả hoạt động, nâng cao tính minh bạch, khả năng cạnh tranh, quản trị của các doanh nghiệp.

 

Hữu Hoè

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.