Gã khổng lồ Vanguard không tin Fed hạ lãi suất trong năm nay
Khả năng Fed không giảm lãi suất
Kết thúc cuộc họp chính sách hôm 20/3, Fed đã giữ nguyên lãi suất lần thứ 5 liên tiếp. Chi phí đi vay liên ngân hàng tại Mỹ hiện nằm trong phạm vi 5,25 - 5,5%, cao nhất trong hơn 22 năm qua.
Fed cho biết các quan chức vẫn dự kiến sẽ giảm lãi suất ba lần trong năm nay, mỗi lần 25 điểm cơ bản. Sau đó, ngân hàng trung ương này sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách vào năm 2025 và 2025, mỗi năm khoảng ba lần.
Thông điệp trên giúp thị trường chứng khoán Mỹ và nhiều nơi khác đi lên. Ba chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đều đóng cửa ở mức cao kỷ lục vào ngày 20/3, trong khi chỉ số Stoxx 600 của châu Âu vọt lên mức đỉnh mới vào sáng 21/3.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, các nhà giao dịch đang kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 6, với xác suất khoảng 68%.
Tuy nhiên, Vanguard - công ty quản lý quỹ lớn thứ hai thế giới - không tin tưởng vào khả năng đó. Kịch bản cơ sở của Vanguard là Fed sẽ không hạ lãi suất trong năm 2024.
- TIN LIÊN QUAN
-
Có khả năng Fed không hạ lãi suất trong năm 2024? 20/03/2024 - 21:50
Ông Shaan Raithatha, nhà kinh tế cấp cao tại Vanguard, cảnh báo kịch bản kể trên có thể gây ra nhiều tác động đối với các ngân hàng trung ương và thị trường toàn thế giới.
Trao đổi với CNBC hôm 21/3, ông Raithatha nói: “Như tất cả các bạn đã biết, số đợt hạ lãi suất mà thị trường kỳ vọng đã giảm từ 7 lần vào đầu năm nay xuống còn ba lần. Vì vậy, mọi chuyện phụ thuộc vào lý do tại sao [Fed nên giảm lãi suất]...”
“Nếu các nhà hoạch định chính sách giảm lãi suất vì nền kinh tế hoạt động mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi tăng trưởng từ phía cung và điều này có tác dụng thiểu phát, thì có lẽ thị trường chứng khoán có thể tiếp tục đà tăng.
Tuy nhiên Vanguard nhận thấy thị trường chứng khoán đang được định giá quá cao ở giai đoạn này”, ông Raithatha nói tiếp.
Vanguard không phải tổ chức duy nhất cho rằng Fed sẽ không giảm lãi suất trong năm 2024.
Ông Mark Okada, đồng sáng lập kiêm CEO của Sycamore Tree Capital Partners, chia sẻ với CNBC vào tuần trước rằng “rất có khả năng” ngân hàng trung ương Mỹ không hạ chi phí đi vay.
“Chúng tôi dự đoán Fed sẽ giữ lãi suất ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn”, ông Okada cho hay vào ngày 12/3.
Trong khi đó, các nhà phân tích tham gia khảo sát của CNBC nói họ vẫn dự kiến Fed sẽ cắt giảm lãi suất trung bình ba lần trong năm nay.
Tác động toàn cầu
Theo ông Raithatha, các ngân hàng trung ương khác có thể sẽ ngần ngại về thời điểm nới lỏng chính sách.
“Tôi nghĩ mọi người đều sợ phải hành động trước Fed. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) rõ ràng là một ngoại lệ, nhưng vấn đề lạm phát ở đó hơi khác với các nền kinh tế còn lại một chút”, vị chuyên gia nói.
Quả thực, SNB đã gây bất ngờ cho thị trường tài chính vào ngày 21/3 khi hạ lãi suất chính sách 25 điểm cơ bản xuống 1,5%. Động thái đó khiến Thụy Sỹ trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên giảm lãi suất, là dấu hiệu cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang tự tin vào kết quả chống lạm phát.
“Tôi nhận thấy yếu tố quan trọng đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu là đồng euro. Hiện tại, các nhà đầu tư nghĩ Fed và ECB có cùng lộ trình lãi suất. Chúng tôi lại có quan điểm hơi khác”, ông Raithatha cho hay.
Theo nhà kinh tế cấp cao của Vanguard, nếu Fed giữ lãi suất ổn định trong năm 2024 và “ECB cắt giảm lãi suất, điều đó sẽ đặt ra câu hỏi là chuyện gì sẽ xảy ra với đồng euro”.
“Đồng euro có thể sụt giá, chúng tôi chưa biết bao nhiêu... nhưng khả năng đó sẽ làm gia tăng mối lo lạm phát trong tương lai”, ông cảnh báo.
Vanguard dự kiến ECB sẽ giảm lãi suất từ 4 đến 6 lần trong năm nay. Ngân hàng trung ương châu Âu được kỳ vọng sẽ thực hiện đợt giảm đầu tiên vào tháng 6 sau khi giữ nguyên lãi suất vào đầu tháng này.