FT: Phương Tây không nên kìm hãm đà tăng trưởng của Trung Quốc
Liệu phương Tây có muốn nền kinh tế Trung Quốc sụp đổ hay không? Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần nói rằng ông sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc để bảo vệ đảo Đài Loan.
Liên minh châu Âu (EU) mô tả đất nước tỷ dân là một “đối thủ có hệ thống”. Anh đang tranh luận về việc có nên chính thức coi Trung Quốc là một “mối đe doạ”, theo Financial Times (FT).
Nếu đã xem một quốc gia là mối đe doạ hoặc đối thủ, các nước khác chắn hẳn sẽ không muốn thấy nền kinh tế của quốc gia đó phát triển một cách nhanh chóng, FT nhận định.
Hoặc câu trả lời có thể là có. Một số người tin rằng thành công kinh tế lâu dài của Trung Quốc vẫn sẽ tạo lợi ích đáng kể cho phương Tây và họ có những lập luận hợp lý làm cơ sở cho nhận định của mình.
Đầu tiên, Trung Quốc là một phần rất lớn của nền kinh tế thế giới. Nếu ai đó muốn Trung Quốc rơi vào suy thoái, gần như họ đang muốn cả thế giới cùng rơi vào suy thoái.
Và nếu Trung Quốc suy yếu - chẳng hạn như nếu lĩnh vực bất động sản của nước này sụp đổ - thì hậu quả giáng xuống hệ thống tài chính toàn cầu sẽ rất nghiêm trọng.
Sau đó là câu hỏi về đạo đức. Liệu công chúng trên khắp thế giới có dễ chịu khi muốn hơn 1,4 tỷ người Trung Quốc trở nên nghèo hơn hay không?
Chưa kể, nhu cầu và đầu tư từ Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng đối với các quốc gia ở châu Phi và châu Mỹ. Liệu có ai muốn các quốc gia này cũng trở nên yếu kém hơn không?
Trên thực tế, cuộc tranh luận về Trung Quốc đang diễn ra tại nhiều nước phương Tây và điều này có thể đang phát đi một vài thông điệp nhất định.
Hai mô hình trật tự thế giới
Nhìn rộng ra, FT cho rằng có hai mô hình trật tự thế giới đang khuấy đảo suy nghĩ của các nhà hoạch định chính sách phương Tây: một mô hình cũ dựa trên toàn cầu hoá và mô hình mới dựa trên cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc.
Mô hình cũ đề cập nhiều đến yếu tố kinh tế và thứ mà người Trung Quốc gọi là “mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi”.
Những người theo phe này lập luận rằng ổn định và tăng trưởng kinh tế sẽ tạo ra kết quả tốt đẹp cho tất cả mọi người. Hơn nữa, mô hình này cũng khuyến khích các nước tăng cường hợp tác trong những vấn đề hệ trọng như biến đổi khí hậu.
Mô hình mới lại cho rằng khi Trung Quốc trở nên thịnh vượng hơn, họ cùng lúc cũng trở thành mối đe doạ lớn hơn.
Những người theo phe này cho biết Bắc Kinh đã đổ tiền vào việc xây dựng quân đội và có một số kế hoạch riêng. Trừ khi tham vọng của Trung Quốc thay đổi hoặc bị kiềm chế, hoà bình và thịnh vượng toàn cầu sẽ bị đe doạ, họ nhấn mạnh.
Cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và mối liên hệ chặt chẽ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã củng cố một quan điểm mới. Lăng kinh tốt nhất để quan sát thế giới hiện nay là tập trung vào cuộc cạnh tranh quyền lực giữa các cường quốc, FT cho hay.
Không may là cuộc tranh luận của phương Tây khó có thể dễ dàng đi đến hồi kết vì cả hai phe đều có những đánh giá đúng. Bất luận Trung Quốc thành công hay thất bại, sự ổn định của thế giới đều có thể bị lung lay.
Đặt ra câu hỏi mới
FT cho rằng cách để các nhà hoạch định chính sách phương Tây giải quyết cuộc tranh luận là đặt ra một câu hỏi khác.
Thay vì băn khoăn liệu họ muốn Trung Quốc thành công hay thất bại, phương Tây hãy tự hỏi làm sao họ có thể kiểm soát sự trỗi dậy không ngừng nghỉ của Trung Quốc.
Đặt câu hỏi theo hướng đó sẽ giúp phương Tây tránh được việc xây dựng chính sách dựa trên một việc đang nằm ngoài tầm kiểm soát của chính họ, FT nhấn mạnh.
Thay vì cố gắng cản trở đà phát triển của Trung Quốc, chính sách của phương Tây nên tập trung vào việc xây dựng một môi trường quốc tế phù hợp để gặt hái lợi ích từ một Trung Quốc đang ngày một giàu mạnh hơn.
Phương Tây nên đặt mục tiêu định hình một trật tự thế giới mới, làm sao để Trung Quốc bớt theo đuổi các chính sách tham vọng hơn, FT viết. Chiến lược này nên bao gồm các yếu tố quân sự, công nghệ, kinh tế và ngoại giao.
Mỹ đã tương đối thành công khi tăng cường mạng lưới quan hệ an ninh với các quốc gia như Nhật Bản, Ấn Độ và Australia; đồng thời, Washington cũng đã ban hành một số biện pháp nhằm hạn chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc.
Kinh tế và thương mại là hai mắt xích mà Mỹ yếu nhất và cần cải thiện. Trung Quốc đã là đối tác thương mại lớn nhất của hầu hết các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Mỹ đang ngày càng theo xu hướng bảo hộ thương mại và khó có thể ký kết thoả thuận thương mại mới ở châu Á.