Forbes: Giá trị 40 thương hiệu lớn nhất Việt Nam đạt 8,1 tỷ USD
Tạp chí Forbes vừa vinh danh 40 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam năm 2018, đây là lần thứ ba Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này, với tổng giá trị thương hiệu đạt gần 8,1 tỷ USD, tăng 50% so với danh sách công bố năm 2017.
Các cái tên dẫn đầu bao gồm Vinamilk (2,28 tỷ USD), Viettel (1,39 tỷ USD), VNPT (416 triệu USD), Sabeco (393 triệu USD) và Vinhomes (384 triệu USD)…
Lĩnh vực hàng không có Vietnam Airlines và Vietjet lần lượt ở vị trí thứ 16 và 18 với giá trị thương hiệu đạt 88,3 triệu USD và 85,5 triệu USD. Trong ngành bán lẻ, các cái tên như Masan Consumer, Thế giới Di động, PNJ là những thương hiệu đứng đầu. Công nghiệp có Hòa Phát (xếp thứ 19), ô tô có Thaco (xếp thứ 20)…
Tập đoàn Thành Thành Công và Trung Nguyên cũng lần đầu lọt vào danh sách của Forbes.
Lễ vinh danh 40 thương hiệu công ty giá trị nhất Việt Nam năm 2018 - Ảnh: Tín Phùng/Forbes Việt Nam |
Nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng vẫn chiếm số lượng lớn, nhưng nhóm tài chính - ngân hàng đã thu hẹp khoảng cách (8 gương mặt) do ngày càng có nhiều ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán.
Nhóm công nghệ - viễn thông bên cạnh ba gương mặt cũ, có thêm VinaPhone, VNPT. Trong danh sách năm nay, có những thương hiệu mới như Vinhomes, Vincom Retail hay HD Bank nhờ dữ liệu tài chính công khai trên sàn niêm yết, cơ sở tính toán giá trị thương hiệu.
Xét về cơ cấu nhóm ngành, so với danh sách năm ngoái, không có thay đổi nhiều. Nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng vẫn chiếm số lượng lớn, nhưng nhóm tài chính - ngân hàng đã thu hẹp khoảng cách do ngày càng có nhiều ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán.
Việc thị trường chứng khoán có sự tăng trưởng khá mạnh khiến cho PE trung bình của phần lớn các ngành đều tăng. Bên cạnh đó, các công ty có thương hiệu đã có nhiều sự thay đổi về sản phẩm, mở rộng thị trường, phản ánh qua kết quả lợi nhuận tốt hơn.
Do phương pháp tính toán dựa trên sự minh bạch, công khai số liệu tài chính, Forbes cho biết chưa có đủ cơ sở để xác định giá trị thương hiệu của nhiều doanh nghiệp lớn mà hoàn toàn có thể có mặt trong danh sách này, nếu công bố dữ liệu kinh doanh.
Về phương pháp tính, Forbes đo lường giá trị của một thương hiệu thông qua các số liệu tài chính. Những thương hiệu giá trị nhất là những thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong những ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.
Sau khi lập danh sách hơn 80 thương hiệu tại Việt Nam, Forbes thực hiện các bước tính toán như thu nhập trước thuế và lãi vay, để từ đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình. Việc thu thập số liệu dựa trên báo cáo của các công ty, số liệu thị trường ở các sàn giao dịch. Dữ liệu từ một số công ty chưa niêm yết do họ cung cấp. Các dữ liệu được tính bình quân trong ba năm gần nhất, sau đó trừ 8% (theo đánh giá của Forbes Mỹ, một thương hiệu trung bình có khả năng đạt thu nhập ít nhất 8% từ khoản vốn này).
Giá trị còn lại sau khi áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp được phân bổ theo mức độ đóng góp của thương hiệu, tùy theo ngành. Đối với số liệu thu nhập ròng của thương hiệu này, Forbes áp dụng mức P/E (hệ số giữa giá thị trường và thu nhập ròng trên mỗi cổ phần của một công ty) trung bình ngành để xác định giá trị thương hiệu chung cuộc.
Đối với những doanh nghiệp chưa niêm yết, Forbes áp dụng một mức bội số thu nhập (earning multiple) với một công ty khác đã niêm yết có thể so sánh ngang hàng. Tỉ giá quy đổi ở mức trung bình 23.030 đồng/USD.