|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

FLC hủy ngày chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội thường niên

22:48 | 13/04/2022
Chia sẻ
Tập đoàn FLC vừa hủy ngày chốt danh sách cổ đông để thực hiện quyền tham dự đại hội cổ đông thường niên năm 2022, đồng thời gia hạn thời gian tổ chức đại hội tới hết tháng 6.

 Tập đoàn FLC lùi ngày tổ chức đại hội cổ đông 2022. (Ảnh minh họa: Song Ngọc).

Ngày 3/3 năm nay, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết đã ký nghị quyết về việc triệu tập họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022. Ngày đăng ký cuối cùng là 23/3. Thời gian, địa điểm và nội dung họp không được công bố cụ thể. 

Ngày 12/4 vừa qua, tân Chủ tịch Đặng Tất Thắng đã ban hành nghị quyết về việc hủy ngày 23/3 là ngày chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội. Đồng thời, FLC cũng gia hạn thời gian tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2022 chậm nhất tới ngày 30/6.

Theo Khoản 2, Điều 139 Luật Doanh nghiệp 2020, Đại hội đồng cổ đông phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, Hội đồng quản trị quyết định gia hạn họp Đại hội đồng cổ đông thường niên trong trường hợp cần thiết, nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

 Ông Trịnh Văn Quyết khi còn là Chủ tịch Tập đoàn FLC. (Ảnh: Đức Quyền).

FLC giữa nhiều sóng gió

Quyết định gia hạn thời gian tổ chức đại hội thường niên 2022 được đưa ra trong bối cảnh Tập đoàn FLC đang trải qua nhiều biến cố lớn.

Ngày 29/3, Chủ tịch Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam vì cáo buộc thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.

Ngày 31/3, Phó Chủ tịch Đặng Tất Thắng được bầu làm Chủ tịch Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways thay cho ông Quyết.

Trong những ngày đầu tháng 4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tiếp tục khởi tố và bắt tạm giam bà Trịnh Thị Minh Huế - cán bộ kế toán Tập đoàn FLC, bà Trịnh Thị Thúy Nga – Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán BOS, bà Nguyễn Quỳnh Anh – Tổng Giám đốc Chứng khoán BOS, và bà Hương Trần Kiều Dung – Phó Chủ tịch thường trực Tập đoàn FLC đồng thời là Chủ tịch Chứng khoán BOS.

Tất cả bị can trên đều bị cáo buộc giúp sức cho ông Trịnh Văn Quyết thao túng thị trường chứng khoán. Bà Trịnh Thị Minh Huế và bà Trịnh Thị Thúy Nga là em gái của ông Quyết. Bà Hương Trần Kiều Dung ngày 6/4 còn bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt hành chính 70 triệu đồng vì làm thành viên Hội đồng quản trị của quá nhiều doanh nghiệp.

Như vậy, trong vòng hai tuần qua, hai lãnh đạo cấp cao nhất của Tập đoàn FLC và ba lãnh đạo của Chứng khoán BOS đã bị bắt tạm giam và không thể tiếp tục chỉ đạo hoạt động của doanh nghiệp. 

Cuối tuần trước, Chứng khoán BOS (tiền thân là Chứng khoán Artex – Mã: ART) cũng đã hủy ngày 28/3 là ngày chốt danh sách cổ đông để tham dự đại hội thường niên 2022, đồng thời gia hạn thời gian tổ chức đại hội đến chậm nhất là ngày 30/6. 

 Bà Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Chứng khoán BOS. (Ảnh: Song Ngọc).

Khi đại hội cổ đông thường niên 2022 của FLC và BOS được tổ chức, việc bầu nhân sự mới sẽ là một trong những nội dung quan trọng được đưa ra thảo luận.

Cổ phiếu bị cắt margin

Ngày 8/4 vừa qua, 4 mã cổ phiếu gồm FLC của Tập đoàn FLC, ROS của Xây dựng FLC Faros, HAI của Nông dược HAI và VMD của Y Dược phẩm Vimedimex đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) đưa vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin).

Nguyên nhân là 4 doanh nghiệp này đều chậm công bố báo cáo tài chính năm 2021 đã kiểm toán quá 5 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn công bố thông tin. Nhà đầu tư muốn mua các cổ phiếu nói trên sẽ phải tự bỏ tiền ra, không được vay margin của các công ty chứng khoán.

Theo Khoản 1.c, Điều 10, Thông tư 96/2020 của Bộ Tài chính: “Công ty đại chúng phải công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tổ chức kiểm toán ký báo cáo kiểm toán nhưng không vượt quá 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm tài chính”.

FLC có năm tài chính kết thúc vào ngày 31/12 nên phải công bố báo cáo tài chính năm đã kiểm toán trước ngày 31/3 năm sau. Đến hôm nay 13/4/2022, cả FLC và ba doanh nghiệp còn lại đều chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021.

Đại hội cổ đông thường niên của các doanh nghiệp thường có nội dung thông qua báo cáo tài chính đã kiểm toán của năm liền trước. Việc FLC chưa hoàn thành báo cáo này có thể là một trong những lý do khiến tập đoàn lùi ngày tổ chức đại hội thường niên 2022.

 Số liệu năm 2021 chưa được kiểm toán. 

Theo báo cáo tài chính quý IV/2021 (chưa kiểm toán), Tập đoàn FLC có lãi trước thuế 163 tỷ đồng trong năm vừa qua, giảm 61% so với năm trước đó. Năm 2022, FLC đặt mục tiêu lợi nhuận cao chưa từng thấy là 2.100 tỷ đồng, như thể hiện trong thống kê bên trên.

Trong 6 phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu FLC và ROS đều đi xuống, trong đó có ba phiên giảm kịch sàn. Biểu đồ dưới đây cho thấy cổ phiếu FLC hiện nay đã mất quá nửa giá trị so với đầu năm 2022 và giảm khoảng 2/3 so với đỉnh hôm 10/1 khi ông Trịnh Văn Quyết bán 74,8 triệu đơn vị FLC mà không báo cáo trước.

 

Song Ngọc - Đức Quyền

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.