FLC đề nghị điều tra phiên giao dịch đột biến 1/4: Chủ tịch Đặng Tất Thắng không đăng ký mua 150 triệu cp như lời đồn
Phiên giao dịch 1/4, cổ phiếu của Tập đoàn FLC có thanh khoản tăng đột biến với tổng khối lượng khớp lệnh 59 triệu đơn vị chỉ riêng trong buổi sáng. Tính cả ngày, khối lượng khớp đạt hơn 100 triệu đơn vị và đóng cửa ở giá 10.850 đồng/cp, giảm 1,4% so với tham chiếu. Tổng giá trị giao dịch của FLC ngày hôm nay đạt trên 1.000 tỷ đồng.
Trong hai phiên giao dịch liền trước đó (ngày 30/3 và 31/3), cổ phiếu FLC liên tục giảm kịch sàn với khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên chưa đến 1 triệu đơn vị, tức là chưa đầy 1% khối lượng khớp lệnh phiên 1/4.
Ngoài ra, vào tối 31/3, mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin mua gom cổ phiếu FLC, thậm chí còn có thông tin Chủ tịch HĐQT mới của Tập đoàn FLC là ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua 150 triệu cổ phiếu FLC trong thời gian từ ngày 1/4 đến 15/4.
Trong văn bản gửi tới Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HOSE) và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), Tập đoàn FLC khẳng định thông tin ông Đặng Tất Thắng đăng ký mua cổ phiếu FLC là “sai sự thật, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý cổ đông FLC nói riêng và các nhà đầu tư nói chung”.
- TIN LIÊN QUAN
-
12 năm ông Trịnh Văn Quyết lãnh đạo FLC: Tổng tài sản tăng 143 lần, lợi nhuận có thời vượt nghìn tỷ 01/04/2022 - 13:09
Trong trường hợp có tổ chức hoặc cá nhân nào phát tán thông tin nói trên thì có thể bị coi là hành vi có mục đích thâu tóm doanh nghiệp, làm mất an ninh, an toàn của thị trường, gây tâm lý hoang mang, mất niềm tin với thị trường chứng khoán của nhiều nhà đầu tư, FLC viết trong văn bản.
FLC cho rằng việc phát sinh nhiều dấu hiện bất thường trước, trong và sau phiên giao dịch ngày 1/4 đối với cổ phiếu FLC có thể ảnh hưởng nghiệm trọng đến hoạt động của Tập đoàn FLC nói riêng và sự ổn định của thị trường chứng khoán nói chung. Việc tiếp tục có những dấu hiệu bất thường nói trên sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức của Tập đoàn FLC, tiềm ẩn rõ ràng nguy cơ gây thiệt hại cho cổ đông của công ty.
Vì vậy, Tập đoàn FLC đề nghị các cơ quan Nhà nước xem xét làm rõ những dấu hiệu bất thường trong phiên giao dịch ngày 1/4 đối với cổ phiếu FLC, nhanh chóng có các biện pháp nhằm ổn định thị trường chứng khoán, hạn chế tối đa các thiệt hại cho cổ đông, nhà đầu tư.
Đồng thời, FLC đề nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM áp dụng biện pháp đảm bảo an ninh an toàn thị trường chứng khoán theo quy định tại Điều 7 của Luật Chứng khoán 2019, bao gồm nhưng không giới hạn với các biện pháp tạm ngừng, đình chỉ giao dịch với mã FLC, kiểm tra làm rõ các dấu hiệu bất thường trong phiên 1/4 và xem xét hủy bỏ toàn bộ giao dịch thực hiện trong phiên ngày 1/4, nếu phát hiện các vi phạm pháp luật.
Họ cổ phiếu FLC được giải cứu?
FLC không phải là cổ phiếu duy nhất có thanh khoản đột biến trong phiên 1/4. ROS của CTCP Xây dựng FLC Faros cũng ghi nhận tới 88,4 triệu cổ phiếu khớp lệnh, trong khi hai phiên trước đó chỉ đạt chưa tới 1 triệu đơn vị giao lịch/phiên.
Đóng cửa, FLC giảm 1,4% và ROS mất 2% sau khi giảm kịch sàn và trắng bên mua trong hai phiên 30 và 31/3.
Các cổ phiếu khác có liên quan tới Tập đoàn FLC như KLF, AMD, ART và HAI không những thoát giá sàn mà còn tăng kịch trần trong phiên 1/4. Bảng thống kê dưới đây cho thấy FLC và ROS là hai mã có thanh khoản đứng đầu sàn HOSE trong phiên đầu tháng 4/2022.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã từng hủy bỏ giao dịch sai quy định với cổ phiếu FLC. Ngày 10/1 năm nay, Chủ tịch Tập đoàn FLC khi đó là ông Trịnh Văn Quyết đã bán 74,8 triệu đơn vị FLC theo hình thức khớp lệnh nhưng không đăng ký trước.
Ủy ban Chứng khoán và HOSE đã hủy tất cả các lệnh khớp mua cổ phiếu FLC mà ông Quyết bán ra, xác minh các tài khoản đã mua cổ phiếu của ông Quyết để trả lại tiền. Sau đó, ông Quyết bị phạt 1,5 tỷ đồng và cấm giao dịch 5 tháng. Cổ phiếu FLC có 8 phiên giàm sàn liên tiếp với thanh khoản thấp.
Ngày 29/3 vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết đã bị khởi tố và bắt tạm giam để phục vụ điều tra về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/1/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Từ ngày 31/3, ông Đặng Tất Thắng trở thành tân Chủ tịch của Tập đoàn FLC và hãng hàng không Bamboo Airways thay cho ông Trịnh Văn Quyết. Chỉ sau một ngày ngồi ghế chủ tịch, ông Thắng đã vướng phải tin đồn thất thiệt trên thị trường.
Theo công bố thông tin của Tập đoàn FLC, cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ 215,4 triệu cổ phiếu, tương đương 30,34% vốn điều lệ toàn tập đoàn; tân Chủ tịch Đặng Tất Thắng không sở hữu cổ phiếu FLC nào.