|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

12 năm ông Trịnh Văn Quyết lãnh đạo FLC: Tổng tài sản tăng 143 lần, lợi nhuận có thời vượt nghìn tỷ

13:09 | 01/04/2022
Chia sẻ
Tập đoàn FLC hiện nay đã thay đổi nhiều so với khi ông Trịnh Văn Quyết bắt đầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Quy mô tài sản, vốn chủ cũng như doanh thu, lợi nhuận, ban lãnh đạo đều khác nhiều.

Ông Trịnh Văn Quyết thôi chức Chủ tịch Tập đoàn FLC từ ngày 31/3/2022. (Ảnh: FLC).

Luật sư Trịnh Văn Quyết bắt đầu làm Thành viên Hội đồng quản trị Công ty cổ phần FLC vào tháng 1/2010. Sau 8 tháng, ông Quyết ngồi vào ghế Chủ tịch. Cuối tháng 3 vừa qua, ông Quyết bị khởi tố và bắt tạm giam để phục vụ điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.

Trong 12 năm ông Trịnh Văn Quyết làm lãnh đạo, Tập đoàn FLC đã trải qua nhiều thăng trầm với những thay đổi lớn về quy mô tài chính, kết quả kinh doanh, lĩnh vực hoạt động, nhân sự chủ chốt, …

Lấn sân sang ngành hàng không

Tiền thân của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC là Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune, được thành lập ngày 17/3/2008 với số vốn ban đầu 18 tỷ đồng.

Ngày 9/12/2009, Trường Phú Fortune chuyển đổi từ công ty trách nhiệm hữu hạn sang công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp CRV.

Ngày 20/1/2010, CRV đổi tên thành Công ty cổ phần FLC. Đến ngày 22/11/2010, doanh nghiệp này một lần nữa đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và giữ nguyên tên gọi này từ đó đến nay. FLC là viết tắt của ba từ tiếng Anh: Finance (Tài chính), Land (Bất động sản) và Corporate (Doanh nghiệp).

Năm 2017, FLC bước chân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ là hàng không. Ngày 31/5/2017, Tập đoàn của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) với vốn điều lệ 700 tỷ đồng, FLC góp 100%. Ông Trịnh Văn Quyết kiêm luôn chức Chủ tịch của Bamboo Airways.

Việc FLC thành lập công ty hàng không đã làm dấy lên nhiều hoài nghi, bởi lẽ ban lãnh đạo tập đoàn chưa ai có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Kinh doanh hàng không lại đòi hỏi vốn lớn và phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn khắt khe về an toàn và kỹ thuật của các cơ quan trong nước cũng như quốc tế.

Mặc dù vậy, ông Trịnh Văn Quyết vẫn theo đuổi giấc mơ hàng không. Bamboo Airways chiêu mộ những người có kinh nghiệm trong ngành để hỗ trợ vận hành, cụ thể như ông Nguyễn Ngọc Trọng, cựu Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines; ông Eddy Doyle, cựu Phó Giám đốc phụ trách Khai thác bay Air Canada, …

Ông Trịnh Văn Quyết đã đại diện FLC và Bamboo Airways ký kết nhiều thỏa thuận mua tàu bay với các đối tác nước ngoài như Airbus và Boeing để chuẩn bị nâng quy mô đội bay.

Đến cuối năm 2018, Bamboo Airways đã được Chính phủ cấp phép bay sau nhiều vòng thẩm định. Ngày 16/1/2019, Bamboo Airways cất cánh chuyến bay thường mại đầu tiên, chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh.

 

Trong hơn ba năm qua, hãng bay của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết đã khai thác hơn 81.000 chuyến bay, vận chuyển an toàn 10 triệu lượt hành khách.

Tổng tài sản 1,5 tỷ USD, vốn chủ sở hữu tăng nhanh

Cuối năm 2010, tổng tài sản của FLC chỉ là 236 tỷ đồng. Đến cuối năm 2020, con số đã tăng lên trên 37.800 tỷ đồng. Việc mở rộng hoạt động sang lĩnh vực hàng không đã giúp cho tài sản của FLC tăng nhanh trong các năm 2019 và 2020.

Năm 2021, trong bối cảnh lĩnh vực hàng không và du lịch điêu đứng vì các đợt COVID-19 dai dẳng, FLC đã giảm tỷ lệ sở hữu tại Bamboo Airways xuống dưới 50%.

Hãng bay này không còn là công ty con của FLC nên các số liệu trên bảng cân đối kế toán cũng như báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh không được gộp chung. Biểu đồ bên dưới cho thấy tổng tài sản và vốn chủ sở hữu trên báo cáo tài chính của FLC tại ngày 31/12/2021 đều giảm đáng kể so với ngày đầu năm.

Mặc dù vậy, quy mô của FLC ngày cuối năm 2021 vẫn cao gấp 143 lần so với đầu năm 2010.

Tài sản và vốn chủ sở hữu của FLC năm 2021 giảm so với 2020 không phải vì thua lỗ mà vì không còn khoản lợi ích của cổ đông thiểu số tại Bamboo Airways.

Vốn chủ sở hữu của FLC hiện nay là khoảng 9.700 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nguồn vốn và gấp 44 lần con số của 12 năm trước.

Vốn chủ tăng nhanh một phần là do lợi nhuận tích lũy qua các năm, ngoài ra còn nhờ các đợt phát hành riêng lẻ, trả cổ tức và chào bán cho cổ đông hiện hữu. Thống kê bên dưới cho thấy FLC đã tăng vốn 11 lần trong 12 năm qua.

FLC còn đang có kế hoạch chào bán gần 500 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá 10.000 đồng/cp để tăng vốn lên trên 12.000 tỷ đồng.

 

Lợi nhuận có năm vượt nghìn tỷ

Từ khi ông Trịnh Văn Quyết bắt đầu làm Chủ tịch HĐQT đến nay, FLC đã trải qua một số quý thua lỗ, nhất là trong giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành năm 2020 – 2021. Tuy nhiên khi xét cả năm, FLC luôn có lãi.

Lợi nhuận sau thuế của FLC lập đỉnh 1.013 tỷ đồng trong năm 2016. Năm trước đó, FLC cũng lãi hơn 900 tỷ đồng. Lợi nhuận trong giai đoạn này chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Trong hai năm COVID vừa qua, FLC vẫn báo lãi nhưng đa phần là nhờ các hoạt động tài chính như đầu tư chứng khoán, thoái vốn tại các doanh nghiệp khác, …

 

Doanh thu thuần của FLC lập kỷ lục gần 15.800 tỷ đồng vào năm 2019. Đây là năm đầu tiên FLC ghi nhận doanh thu của mảng hàng không và các lĩnh vực khách sạn, nghỉ dưỡng chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.

Sang năm 2020 và 2021, doanh thu thuần đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực là tập đoàn đã có lãi gộp trong năm 2021.

  Số liệu năm 2021 chưa được kiểm toán.

Cơ cấu doanh thu của FLC đã thay đổi đáng kể trong thời gian qua. Năm 2016, khi lợi nhuận lập đỉnh trên 1.000 tỷ đồng, doanh thu chủ yếu đến từ kinh doanh bất động sản.

Năm 2021, giữa nhiều khó khăn do dịch bệnh, doanh thu của FLC chủ yếu đến từ bán hàng hóa và thành phẩm. 

Những lần thay đổi lãnh đạo

Ông Trịnh Văn Quyết ngồi vững vàng ở ghế Chủ tịch FLC trong 12 năm, nhưng các vị trí lãnh đạo khác của tập đoàn đã có nhiều thay đổi.

Chức tổng giám đốc được chuyền từ ông Doãn Văn Phương sang bà Hương Trần Kiều Dung, đến ông Lê Thành Vinh, tới ông Trần Quang Huy, rồi quay lại bà Hương Trần Kiều Dung và hiện nay do bà Bùi Hải Huyền đảm nhiệm.

Bà Hương Trần Kiều Dung hiện vẫn là Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT, ông Trần Quang Huy không còn là lãnh đạo ở FLC, ông Lê Thành Vinh cũng rời khỏi tập đoàn và lập công ty luật riêng.

Các nhân sự ở cấp Phó Tổng Giám đốc hay Thành viên Hội đồng quản trị cũng thường xuyên có thay đổi. Có người đến, có người đi, có người trở về.

Tháng 12/2014, ông Trịnh Văn Quyết bổ nhiệm hai phó tổng giám đốc là ông Đỗ Như Tuấn và ông Đặng Tất Thắng. Tháng 1/2020, ông Tuấn từ nhiệm. Ông Thắng làm Phó Tổng Giám đốc liên tục đến tháng 4/2021 thì được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT.

Ngày 31/3/2022, ông Đặng Tất Thắng bắt đầu làm Chủ tịch HĐQT của Tập đoàn FLC và Bamboo Airways thay cho ông Trịnh Văn Quyết.

Bà Vũ Đặng Hải Yến được bổ nhiệm chức Phó Tổng Giám đốc từ tháng 3/2017, từ nhiệm vào tháng 4/2018 và quay lại vị trí cũ vào tháng 6/2019. Ông Trịnh Văn Quyết đã ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến thực hiện tất cả quyền cổ đông của ông tại Tập đoàn FLC và Bamboo Airways.

 

Song Ngọc - Đức Quyền