|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bamboo Airways không còn là công ty con của FLC

15:01 | 11/03/2021
Chia sẻ
Trong quý I/2021, tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn FLC tại Bamboo Airways đã giảm từ trên 50% xuống còn 39,4% và do vậy FLC không còn là công ty mẹ của hãng hàng không này.
Bamboo Airways không còn là công ty con của Tập đoàn FLC - Ảnh 1.

Mô hình tàu bay Bamboo Airways tại trụ sở Tập đoàn FLC. (Ảnh: Song Ngọc).

Ngày 5/2 năm nay, CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) tăng vốn điều lệ thêm 50%, từ 7.000 tỷ đồng lên thành 10.500 tỷ.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán mà FLC mới công bố, tại ngày cuối năm 2020, Tập đoàn FLC đang sở hữu 51,29% vốn điều lệ của Bamboo Airways. Sau khi Bamboo tăng vốn, tỷ lệ sở hữu của FLC giảm còn 39,4%.

Nói cách khác, từ quý I/2021, Bamboo Airways không còn là công ty con của Tập đoàn FLC mà là công ty liên kết. 

Cần làm rõ rằng Tập đoàn FLC không thoái bớt vốn khỏi Bamboo mà thậm chí còn góp thêm 550 tỷ đồng. 

Tuy nhiên do nguồn vốn mà các cổ đông khác góp vào lớn hơn nên tỷ lệ sở hữu của FLC tại Bamboo bị giảm xuống.

Tại ngày 5/2, cá nhân ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ 43,24% vốn của Bamboo Airways. CTCP Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) sở hữu 8,57%. 

Hiện nay, ông Quyết vừa là Chủ tịch Tập đoàn FLC, vừa là Chủ tịch Bamboo Airways. Bà Hương Trần Kiều Dung - Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn FLC đồng thời là Chủ tịch của FLC Faros. Phó Tổng Giám đốc FLC Đặng Tất Thắng đang làm Tổng Giám đốc Bamboo Airways.

Như vậy, nhóm cổ đông FLC, FLC Faros và ông Trịnh Văn Quyết sở hữu trên 90% vốn của Bamboo Airways tại ngày 5/2/2021.

Một nguồn tin tại Tập đoàn FLC cho biết: "Hoàn toàn không có thay đổi gì liên quan đến các vấn đề quản trị, điều hành tại Bamboo Airways". 

Bamboo Airways không còn là công ty con của FLC nhưng vẫn giữ nguyên cơ cấu quản trị - Ảnh 2.

Tàu bay Airbus A321Neo Bamboo Airways tại Nội Bài. (Ảnh: Song Ngọc).

Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2020 đã kiểm toán, Tập đoàn FLC ghi nhận doanh thu 13.502 tỷ đồng, lãi sau thuế 308 tỷ đồng, tăng lần lượt 108 tỷ đồng và 125 tỷ đồng so với trước kiểm toán.

Về phần Bamboo Airways, trong năm đầu kinh doanh vận tải hàng không 2019, hãng hàng không này báo lãi trước thuế 303 tỷ đồng. Năm 2020, mặc dù chịu thiệt hại nặng nề của COVID-19, Bamboo vẫn thông báo có lãi hơn 400 tỷ đồng.

Năm vừa qua, Bamboo Airways khai thác 28.444 chuyến bay, tăng trưởng 41% so với năm 2019. Các hãng còn lại gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco và Vietjet Air đều giảm số chuyến từ 27% đến 57%.

Bamboo Airways cũng dẫn đầu về tỷ lệ cất cánh đúng giờ (OTP) trong liên tiếp hai năm 2019 và 2020, đạt lần lượt 94,1% và 95,8%. Trong hai tháng đầu năm 2021, Bamboo ghi nhận OTP lên tới 97,2%, tiếp tục là quán quân toàn ngành. 

Đầu tháng 3 này, Bamboo Airways cho biết hãng này hiện có mạng bay nội địa lớn nhất cả nước với 57 đường bay, bao gồm các thị trường ngách như Hải Phòng/Vinh/Thanh Hóa/Đà Nẵng – Côn Đảo, Đà Nẵng – Vinh, Đà Nẵng – Phú Quốc và Phú Quốc – Cần Thơ…

Đức Quyền

Chủ tịch Kinh Bắc: Thị trường bất động sản muốn ấm phải chờ sang năm
Theo ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Kinh Bắc, thị trường bất động sản đến thời điểm này vẫn chưa ấm lên và có thể sẽ có dấu hiệu phục hồi theo hướng phát triển bền vững từ cuối năm nay.