Dòng tiền hoạt động kinh doanh của nhóm DN phi tài chính lần đầu tiên âm sau 5 năm
Số liệu cập nhật từ 999 doanh nghiệp phi tài chính tính đến ngày 27/5 trên cả HOSE, HNX và UPCoM của CTCP FiinGroup cho thấy bức tranh sức khỏe tài chính của giới kinh doanh trong quí I. Đây là nhóm chiếm tới 97,6% tổng vốn hóa của khối doanh nghiệp phi tài chính trên sàn chứng khoán.
Lợi nhuận ròng DN phi tài chính trên sàn chứng khoán giảm gần 58%
Doanh thu thuần của các doanh nghiệp giảm 4,4% là quí tăng trưởng âm đầu tiên sau 5 năm và cũng đánh dấu cú giảm tốc mạnh kể từ giai đoạn 2017 - nửa đầu 2018. Doanh thu hầu hết các ngành đều giảm ngoại trừ các ngành mang tính tiêu dùng như bán lẻ, thực phẩm đồ uống, dược phẩm, viễn thông, công nghệ thông tin. Đây là các ngành được hưởng lợi hoặc ít bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 trong quí đầu năm.
Lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 57,8% so với cùng kì, trong đó giảm mạnh nhất ở nhóm dầu khí (-303,4%), du lịch giải trí (-211,9%); bất động sản (-81,2%) và tiện ích (-41,1%). Nhưng vẫn có những ngành tăng trưởng hai chữ số gồm tài nguyên cơ bản (25,4%), công nghệ thông tin (14%) và viễn thông (14%).
Dữ liệu của FiinGroup chỉ ra hai nguyên nhân chính dẫn đến việc lợi nhuận giảm mạnh.
Thứ nhất, do ảnh hưởng nặng nề của ngành du lịch giải trí (trong đó có các hãng hàng không); và dầu khí. Riêng ngành dầu khí chịu tác động kép của giá dầu thấp và cách li xã hội.
Thứ hai, các chi phí cố định quá lớn trong một số ngành làm cho giá vốn hàng bán chỉ giảm 1,2% so với cùng kì.
Bức tranh về chất lượng lợi nhuận thể hiện rõ nét hơn khi nhìn vào tăng trưởng lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) và lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA).
Theo đó, tăng trưởng hai chỉ số này lần lượt -44,7% và -26,1%, tiếp tục nằm trong xu hướng giảm tăng trưởng liên tiếp từ quí III/2017. FiinGroup lưu ý là xu hướng giảm đã diễn ra từ quí II/2019, tức là trước khi có dịch COVID-19.
Ba ngành có EBIT giảm mạnh nhất tiếp tục là dầu khí (-263,1%), du lịch giải trí (-171,8%) và bất động sản (-104,9%), trong đó câu chuyện của ngành bất động sản là suy giảm cung, cầu và siết tín dụng.
Chiều ngược lại, các ngành có tăng trưởng EBIT hai con số như tài nguyên cơ bản (30,8%), viễn thông (43%), y tế - dược (18,1%), công nghệ thông tin và bán lẻ (đều 14,7%). Xu hướng tăng EBITDA cũng diễn ra tương tự ở các ngành. Tương tự, biên EBIT và biên EBITDA cũng tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 5,7% và 10,8%.
Lợi nhuận lõi của doanh nghiệp bất động sản không đủ trả lãi vay ngân hàng
Theo quan sát của đội ngũ phân tích, mặc dù chất lượng lợi nhuận đi xuống nhưng các doanh nghiệp lại có sự tăng nhẹ về mức độ đòn bẩy tài chính.
Hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu (D/E) có xu hướng giảm trong những năm gần đây, chạm mốc thấp nhất tại quí III/2019 và đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại quí thứ II liên tiếp.
Ba ngành có hệ số D/E lớn nhất là du lịch giải trí (1,24), xây dựng vật liệu (1,08) và tài nguyên cơ bản (1,06), trên mức trung bình toàn thị trường 0,7.
FiinGroup cho rằng, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh suy giảm và khả năng trả lãi vay suy giảm nên các doanh nghiệp phải vay nhiều hơn để duy trì hoạt động.
Dư nợ tuyệt đối của 999 doanh nghiệp niêm yết là 1,03 triệu tỉ đồng, trong đó bất động sản, xây dựng vật liệu và thực phẩm đồ uống đi vay nợ nhiều nhất. Nếu so với dư nợ toàn hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp niêm yết chỉ chiếm 12,4%.
Cùng với đó, khả năng chi trả lãi vay (ICR) cũng sụt giảm liên tiếp trong những quí gần đây. FiinGroup đưa quan điểm đây là thực tế đáng báo động về rủi ro thanh khoản và mức độ rủi ro sẽ tùy thuộc vào mức độ suy giảm tiếp tục trong quí II này ra sao cũng như triển vọng tăng trưởng trở lại của các quí kế tiếp.
Trong quí I, 9/14 nhóm ngành sụt giảm khả năng chi trả lãi vay bên cạnh dầu khí và du lịch giải trí báo lỗ.
Đặc biệt là bất động sản có hệ số khả năng trả lãi từ 1,4 quí IV năm ngoái xuống còn 0,4. Tức là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh cốt lõi không đủ chi trả lãi vay ngân hàng. Một số doanh nghiệp có hệ số này nhỏ hơn một như Vinhomes (0,27), Vincom Retail (0,1), Khang Điền (0,12) và Phát Đạt (0,52).
Ở chiều ngược lại, công nghệ thông tin là ngành có ICR cao nhất, đạt 9,7; kế đến là y tế - dược phẩm 8,8.
Sự sụt giảm mạnh về doanh thu thuần và EBITDA trong quí đầu năm cũng khiến cho tỉ lệ nợ vay trên hai chỉ tiêu này cũng tăng mạnh, lần lượt đạt 2 và 19,6 lần.
Ngành bất động sản tiếp tục chứng kiến sự đột biến khi nợ vay/EBITDA từ 12,6 quí IV/2019 vọt lên 43,9 lần; kế đến là xây dựng vật liệu với 12,6 lần. Mặc dù có xu hướng tăng ở hầu hết các ngành, tỉ lệ này lại giảm nhẹ ở tài nguyên cơ bản và bán lẻ, nhờ cải thiện tình hình tại Hòa Phát và Thế giới Di động.
Dòng tiền hoạt động kinh doanh lần đầu tiên âm sau 5 năm, dòng tiền đầu tư thu hẹp
Số liệu của FiinGroup chỉ ra quí I năm nay là quí đầu tiên mà dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (CFO) trên toàn thị trường âm (-26.000 tỉ). Bất động sản có CFO giảm mạnh nhất (-12.000 tỉ); dầu khí và du lịch giải trí lần lượt -7.200 tỉ và - 6.600 tỉ.
FiinGroup nhận xét dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản thường không ổn định hoặc không có xu hướng rõ ràng theo quí. Ngành thực phẩm đồ uống lần đầu tiên có CFO âm kể từ 2015 (chủ yếu do nhóm Sabeco, Tập đoàn Sao Mai và IDI - hai doanh nghiệp thủy sản gặp khó khăn).
Một quan sát nữa cho thấy dòng tiền chi cho hoạt động đầu tư (CFI) thu hẹp mạnh, con số này chỉ đạt 37.700 tỉ đồng, giảm 40% so với cùng kì, thấp nhất trong ba năm.
Dấu hiệu này cho thấy các doanh nghiệp đang có động thái tạm dừng các hoạt động đầu tư để đảm bảo dòng tiền cho hoạt động kinh doanh được ổn định và an toàn trong bối cảnh dịch bệnh.
Các chỉ số quay vòng vốn lưu động có xu hướng tăng lên nhưng vẫn ở mức độ thấp so với đỉnh điểm của chu kì khủng hoảng trước đây. Riêng với ngành bất động sản, số ngày vòng quay tiền mặt kể từ năm 2018 - 2019 đã tăng lên, FiinGroup cho rằng đây sẽ là chỉ báo quan trọng của ngành trong giai đoạn sắp tới.