|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Fed thắt chặt và giá hàng hóa hạ nhiệt sẽ tác động thế nào đến chứng khoán Việt Nam?

07:22 | 06/01/2022
Chia sẻ
Dưới hành động thắt chặt các chính sách của Fed, Chứng khoán KB Việt Nam nhận định sẽ có hai kịch bản tác động đến TTCK Việt Nam. Trong kịch bản cơ sở, công ty cho rằng tác động tiêu cực sẽ không lớn khi thị trường tài chính toàn cầu đã có sự chuẩn bị tốt và kinh tế toàn cầu quay trở lại chu kỳ tăng trưởng mới.

Mặc dù xuất hiện một số yếu tố rủi ro gây gia tăng áp lực lạm phát trong năm 2022 nhưng CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kỳ vọng lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt ở mức 3,8% cho cả năm 2022. 

Nguyên nhân thứ nhất là cầu nền kinh tế hồi phục yếu một phần đến từ thói quen tiết kiệm để vượt khó của người Việt. Thứ hai, cung tiền M2 tăng trưởng chậm lại và tốc độ vòng quay tiền đang giảm dần. Cuối cùng, biến động giá hàng hóa, bao gồm giá thịt lợn và xăng dầu nghiêng nhiều về phía tăng với tốc độ chậm dần khi kinh tế toàn cầu phục hồi. 

Chính sách của Fed tác động như thế nào đến TTCK Việt Nam? - Ảnh 1.

(Nguồn: Báo cáo chiến lược của KBSV).

Đối với kịch bản các gói kích thích kinh tế quy mô lớn được thông qua, rủi ro lạm phát vượt quá 4% là hiện hữu và có thể sẽ thúc đẩy Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng thận trọng hơn và không loại trừ khả năng cần thắt chặt để kiểm soát lạm phát, từ đó tác động tiêu cực lên TTCK Việt Nam.

KBSV đánh giá mặt bằng lãi suất huy động, vốn đang ở mức thấp, nhiều khả năng sẽ nhích tăng trong năm 2022 do lạm phát tăng trở lại khiến ngân hàng cần nâng lãi suất huy động để duy trì lãi thực dương đủ hấp dẫn để duy trì tính cạnh tranh; nhu cầu tín dụng phục hồi khi nền kinh tế mở cửa và chính sách tiền tệ thận trọng hơn của NHNN. 

Mức tăng nhiều khả năng sẽ tương đối thấp (trên dưới 0,5%), tương ứng với kịch bản cơ sở lạm phát tăng 3,8%. Diến biến này sẽ có những tác động tiêu cực nhất định đến dòng tiền trên TTCK nhưng chưa ở mức đáng lo ngại.

Chính sách của Fed và tác động đến TTCK Việt Nam

Thông điệp Fed truyền tải trong kỳ họp tháng 12/2021 thể hiện rõ xu hướng thắt chặt với 2 ý chính. Thứ nhất, Fed tăng tốc độ cắt giảm chương trình mua trái phiếu từ 15 tỷ USD/tháng lên 30 tỷ USD/tháng, từ đó kết thúc hoàn toàn bơm tiền vào tháng 3 thay vì vào tháng 6 như kế hoạch cũ. Quá trình này được đánh giá có phần gấp gáp hơn so với năm 2014 cả về thời điểm bắt đầu lẫn thời gian tiến hành.

Thứ hai, lãi suất Fed Fund Rate tiếp tục được duy trì ở mức 0 - 0,25%, nhưng 10/18 thành viên của FOMC dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất 3 lần vào năm 2022, đưa phạm vi lãi suất cơ bản lên 0,75 - 1%. 

TTCK toàn cầu nói chung và TTCK Mỹ nói riêng phản ứng tương đối tích cực sau kỳ họp của Fed bất chấp các thông điệp truyền tải có phần thắt chặt hơn so với trước. Nguyên nhân được lý giải là do thị trường hài lòng với lộ trình từng bước cho 1 chu kỳ thắt chặt tiền tệ thận trọng của Fed trước lạm phát, song song với niềm tin sức khoẻ nền kinh tế Mỹ được cải thiện.

Trong kịch bản cơ sở, áp lực lạm phát ở mức vừa phải và nhiều khả năng suy giảm trong nửa sau năm 2022 khi tình trạng đứt nghẽn nguồn cung hạ nhiệt, Fed tăng lãi suất theo lộ trình từng bước đúng với kỳ vọng thị trường, kết thúc chương trình mua trái phiếu vào tháng 3 và sau đó có 3 lần nâng lãi suất lên 0.75%-1% thời điểm cuối năm 2022. 

Trong kịch bản này, KBSV nhận định tác động tiêu cực đến TTCK toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng là không lớn khi thị trường tài chính toàn cầu đã có sự chuẩn bị tốt và kinh tế toàn cầu quay trở lại chu kỳ tăng trưởng mới, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Chính sách của Fed tác động như thế nào đến TTCK Việt Nam? - Ảnh 2.

(Nguồn: Báo cáo chiến lược của KBSV).

Đối với kịch bản tiêu cực, lạm phát duy trì ở mức cao và không có dấu hiệu hạ nhiệt, trong khi tăng trưởng kinh tế, thị trường việc làm chưa phục hồi đủ mạnh. Fed sẽ buộc phải đẩy nhanh hơn tốc độ tăng lãi suất (có thể lên tới 1,5 - 1,75%) vào cuối năm 2022. Chính sách tiền tệ thu hẹp nhanh, mặt bằng lãi suất tăng cao khiến định giá cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn (đặc biệt đối với nhóm cổ phiếu tăng trưởng ngành công nghệ, chiếm tỷ trọng vốn hoá lớn tại TTCK Mỹ). 

Theo quan sát của KBSV, mốc lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm ở 2,5% nếu bị phá vỡ nhiều khả năng là tín hiệu đảo chiều của xu hướng lãi suất giảm kéo dài được nhiều thập kỷ, là cột mốc cần thận trọng quan sát. 

Trong kịch bản này, đối với Việt Nam, rủi ro lạm phát, tỷ giá và vốn ngoại rút ròng trở nên hiện hữu trong bối cảnh đồng USD tăng mạnh (dưới tác động từ chính sách tiền tệ thắt chặt của Fed) khiến chính phủ và Ngân hàng Nhà nước cần có những điều chỉnh chính sách phù hợp, bao gồm tăng lãi suất, kiểm soát lạm phát, cung tiền và dòng vốn ra/vào, qua đó tác động tiêu cực đến kênh đầu tư chứng khoán và thị trường bất động sản. 

Dù vậy, KBSV không đánh giá cao kịch bản tiêu cực này do: thứ nhất, sức cầu hồi phục sau phong tỏa một số nước sẽ dần bình thường hoá, nhất là sau khi hiệu ứng từ các gói kích thích kinh tế kết thúc.

Thứ hai, gián đoạn chuỗi cung ứng có thể giảm bớt nhờ việc các quốc gia trên thế giới đều đã đạt được độ phủ vaccine nhất định, và có kinh nghiệm ứng phó với dịch bệnh.

Thứ ba, giá năng lượng vẫn duy trì ở mức cao nhưng khó có thể tăng sốc như trong năm 2021 khi Chính Phủ các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Anh đều sẵn sàng phối hợp xả kho dầu dự trữ nhằm bình ổn giá nhiên liệu và kìm lại đà tăng mạnh của nhóm này.

Cuối cùng là xu hướng hạ nhiệt đang diễn ra ở nhiều loại hàng hoá cơ bản.

Bảo Ngọc

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.