|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Góc nhìn chuyên gia: Sóng có thể đến từ vĩ mô, ngành hưởng lợi, bắt bài đội lái trong 'sóng nhân tạo' là điều ảo tưởng

16:51 | 05/01/2022
Chia sẻ
Theo ông Phạm Lưu Hưng, trong lĩnh vực chứng khoán có những con sóng do yếu tố vĩ mô, một số ngành được hưởng lợi chứ không có yếu tố tạo lập. Đối với những con sóng nhân tạo có yếu tố "tát nước theo mưa" thì những NĐT đòi bắt bài được đội lái là điều ảo tưởng.

Sóng bất động sản có là con sóng ảo?

Đối với giới đầu tư chứng khoán, "đu đỉnh" mãi cũng là ác mộng với các nhà đầu tư. Chương trình "Bí mật đồng tiền" phát sóng trưa nay (5/1), các chuyên gia đã chia sẻ bật mí về sóng và kinh nghiệm lướt sóng an toàn "không xa bờ".

Quan sát phiên hôm nay, thị trường dường như đã mất sự hưng phấn sau phiên lập đỉnh kỷ lục ngày hôm qua, nhưng có thể nhận thấy rằng con sóng bất động sản vẫn là điểm sáng trên thị trường. Không ít các room Zalo, group Facebook, đội nhóm truyền thông của nhóm cổ phiếu này đưa ra công thức: Giá đất nhân ha đất sẽ cho ra công ty giá trị hàng tỷ USD, còn nhiều dư địa tăng trưởng. 

Nhận định về luận điểm này, ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm phân tích và tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI cho biết: "Logic này như "đếm cua trong lỗ". Nếu định giá doanh nghiệp bất động sản mà không quan tâm đến năng lực triển khai các dự án như thế nào thì những công ty có quỹ đất lớn như VHM phải tăng vài lần so với giá hiện tại".

Chia sẻ lý do tại sao dòng tiền vẫn ồ ạt đổ vào cổ phiếu địa ốc theo khía cạnh phân tích kỹ thuật, chuyên gia chứng khoán - ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết chứng khoán là cuộc chơi của cảm xúc, phụ thuộc nhiều vào tâm lý nhà đầu tư.

Nhà đầu tư có thể chia làm hai nhóm chính: một là nhóm NĐT thích mua rẻ bán đắt và hai là nhóm NĐT mua cao bán cao hơn. Nhóm thứ hai cổ xuý tính xu hướng, chỉ mong đợi thị trường đột biến thì sẽ đu bám và hầu như không đặt ngưỡng cản cho bản thân. Thị trường trong vài tháng gần đây đang là thị trường xu hướng, ông Tuấn Anh nhận định. 

Nhiều người trong giới đầu tư gọi con sóng bất động sản hiện tại là sóng ảo, tuy nhiên ông Phạm Lưu Hưng cho rằng đây là cái nhìn một chiều. Ông cho rằng những cổ phiếu không phải đầu ngành càng có mức tăng cao nên mọi người nghĩ là sóng ảo. Sở dĩ là vì những công ty đầu ngành luôn duy trì tình hình kinh doanh ổn định, đến khi có sóng mới thì mức độ cải thiện đương nhiên sẽ không bằng những công ty kinh doanh bết bát hoặc thua lỗ.

Sóng đem đến "cá tôm, rong rêu và cả rác"

Những con sóng, chủ yếu là sóng nhân tạo, bắt nguồn từ những người thích tỷ suất lợi nhuận nhanh. Điều này đặt ra câu hỏi những NĐT lỡ theo con sóng sẽ nhận lại được "cá tôm, rong rêu hay rác", nếu lỡ say sóng và tìm cách xuống tàu cần làm gì?

Ông Phạm Lưu Hưng cho rằng "Sóng không phải lúc nào cũng bắt đầu từ gió, nó có thể bắt đầu từ rung chuyển địa chấn. Trong lĩnh vực chứng khoán có những con sóng do yếu tố vĩ mô, một số ngành được hưởng lợi chứ không có yếu tố tạo lập. Đối với những con sóng nhân tạo có yếu tố "tát nước theo mưa" thì những NĐT đòi bắt bài được đội lái là điều ảo tưởng".

Còn theo ông Nguyễn Tuấn Anh, bí mật để sống sót và sống lâu trên thị trường chứng khoán là "bữa tiệc nào cũng phải tham dự, cầm ly rượu nhưng phải đứng ở gần cửa". Ai cũng muốn trải nghiệm phiêu lưu nhưng dù theo cách nào thì phải có cửa lùi cho bản thân. 

Với hai vị chuyên gia, một người theo trường phái phân tích cơ bản, một người theo trường phái phân tích kỹ thuật đều cùng quan điểm rằng dù theo phong cách đầu tư nào vẫn nên có đường lùi cho bản, đặt ra ngưỡng cản và tuân thủ kỷ luật. 

Đón sóng gì từ kết quả kinh doanh quý IV?

Cũng tại sự kiện, một câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm đó là sắp tới sẽ là sóng cổ phiếu ngành nào khi thông tin về gói kích thích kinh tế vừa được công bố mới đây. Theo ông Phạm Lưu Hưng, gói kích thích kinh tế mới được công bố khá cao so với kỳ vọng, (chiếm 4% GDP), quan trọng nhất vẫn là tốc độ giải ngân. Vị chuyên gia này tin rằng chính phủ đang đề xuất những giải pháp để giải ngân nhanh trong hai năm tới.

Những nhóm ngành được hưởng lợi từ gói kích thích kinh tế có thể kể đến nhóm xây dựng, vật liệu, nặng lượng... Nhiều NĐT cho rằng đón con sóng đầu tư công là chìa khoá cho năm 2022. 

Ông Hưng cho biết chi tiết về gói kích thích kinh tế chưa được công bố đầy đủ. Đối với nhóm đầu tư công, trong năm 2021 tốc độ giải ngân rất chậm do đây là năm đầu của chu kỳ 5 năm và một phần vì dịch bệnh COVID-19. Trên nền so sánh thấp đó thì tốc độ giải ngân là câu chuyện đáng chú ý trong năm 2022. 

Đón sóng kết quả kinh doanh quý IV/2021 sắp tới, đứng trên góc độ nhà đầu tư, ông Hưng sẽ ưu tiên nhóm ngành tài chính và bán lẻ. Đối với ông Tuấn Anh, ông chọn ngành ngân hàng bán lẻ, liên quan đến năng lực thực hiện chứ không liên quan đến tăng trưởng doanh nghiệp. 

Bảo Ngọc