KBSV: Dòng tiền NĐT cá nhân đi ngang, khối ngoại khó quay trở lại TTCK Việt Nam năm 2022
Định giá chứng khoán Việt Nam vẫn hấp dẫn, VN-Index đạt 1.760 điểm năm 2022
Năm 2021, VN-Index tăng 35% và EPS bình quân 12 tháng của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE tăng xấp xỉ 33%, kéo theo P/E thị trường tăng nhẹ từ 17,25 lên 17,4 lần.
Trong báo cáo chiến lược năm 2022, CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định mức P/E này cao hơn đáng kể so với mức P/E bình quân 2 năm gần nhất (15,8 lần) nhưng vẫn thấp hơn so với mức P/E các quốc gia trong khu vực và khá hấp dẫn đặt trong bối cảnh vĩ mô hiện tại với mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp cùng các kỳ vọng về gói kích thích kinh tế của chính phủ và sự phục hồi của nền kinh tế hậu COVID-19.
So sánh tương đối VN-Index với nhóm các thị trường trong khu vực, TTCK Việt Nam duy trì được sức hấp dẫn trong tương quan so sánh P/B với ROE và tương quan P/E với tăng trưởng EPS bình quân 3 năm gần nhất.
Với cơ sở dự báo môi trường đầu tư sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2022 khi tình hình dịch COVID-19 dần bị đẩy lui nhờ chương trình tiêm chủng vaccine được triển khai hiệu quả, kết hợp với kỳ vọng từ gói kích thích kinh tế quy mô lớn và nhìn xa hơn là triển vọng nâng hạng thị trường trong các năm sắp tới, KBSV kỳ vọng mức P/E hợp lý của VN-Index trong năm 2022 là 17,5 lần.
Kết hợp với mức tăng EPS bình quân của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE được dự báo ở mức 15,7%, vùng giá hợp lí của chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2022 là 1,760 điểm.
Với cơ sở dịch bệnh dần được kiểm soát và không có đợt giãn cách xã hội trên phạm vi toàn quốc diễn ra, KBSV cho rằng đà tăng trưởng trong lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục được duy trì sang năm 2022.
Trong đó, các ngành dẫn dắt xu hướng tăng trưởng là hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu (tăng 25,4%) khi nhu cầu đối với mặt hàng này bật tăng trở lại giai đoạn hậu COVID-19.
Thứ hai là ngành công nghệ thông tin với tỷ lệ tăng 23,9% nhờ sự tăng trưởng cao và chương trình đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia. Nhóm công nghiệp dự kiến tăng 20,8% khi hoạt động sản xuất phục hồi.
Theo đó, KBSV dự phóng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HOSE tăng 15,7% so với năm 2021. Rủi ro có thể khiến côn ty điều chỉnh giảm dự phóng bao gồm rủi ro về các biến chủng mới của COVID-19, nợ xấu ngân hàng tăng mạnh, giá nguyên liệu tăng cao và mặt bằng lãi suất tăng trở lại ảnh hưởng đến chi phí lãi vay.
Dòng tiền ngoại khó quay trở lại
Năm 2022, dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước được dự báo đi ngang hoặc có phần giảm bớt so với mức nền cao của 2021 do lãi suất huy động dự báo tăng 0,5%. Lý do thứ hai là một phần dòng tiền bị rút ra quay trở lại hoạt động sản xuất, kinh doanh khi nền kinh tế dần đi vào trạng thái bình thường mới.
Cuối cùng, đà tăng dốc của thị trường trong giai đoạn 2020 - 2021 nhiều khả năng sẽ không lặp lại, thay bằng xu hướng tăng thoải với các nhịp tăng/giảm đan xen khiến sức hấp dẫn của thị trường giảm bớt đối với dòng tiền nóng.
KBSV cho rằng khó có khả năng khối ngoại sẽ mua ròng trở lại trong năm 2022 khi các yếu tố bán ròng vẫn duy trì, đặc biệt trong bối cảnh các nước phát triển đang dần thắt chặt chính sách tiền tệ dưới áp lực lạm phát.
Tuy nhiên, động thái bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài sẽ không tác động đáng kể đến diễn biến thị trường, trong bối cảnh dòng tiền trên thị trường sẽ tiếp tục chịu chi phối bởi nhà đầu tư cá nhân trong nước (giá trị giao dịch của khối ngoại giảm từ mức 20% trong 2020 xuống 5 - 7%).
Các yếu tố có thể thúc đẩy khối ngoại quay trở lại mua ròng trên thị trường: TTCK Việt Nam giảm mạnh về vùng giá hấp dẫn, quá trình thoái vốn cổ phần hoá sôi động trở lại, mở room ngoại hay cơ hội nâng hạng thị trường trở nên rõ nét hơn.