FDI giảm đột ngột vì COVID-19
Hoãn, hủy ý định đầu tư
“Nhiều tập đoàn điện tử ngỏ ý muốn đầu tư tại Việt Nam, nhưng dịch bệnh đã khiến họ không thể sang đây, dẫn tới quyết định đầu tư mới cũng bị chậm lại", ông Hans Kerstens, Giám đốc về Phát triển kinh doanh quốc tế của Tổ hợp khu công nghiệp Deep C, nói.
Theo báo cáo mới công bố của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tính đến ngày 20-3 đạt gần 8,6 tỉ đô la Mỹ, giảm tới gần 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ vậy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong quí 1 ước tính đạt 3,9 tỉ đô la Mỹ, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Giải thích về mức sụt giảm này, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê xây dựng và vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê cho rằng, sự sụt giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có hai lý do. Thứ nhất, vào quí I năm ngoái Việt Nam đã thu hút được lượng vốn FDI rất cao. Thứ hai, dịch COVID-19 khiến nhiều nhà đầu tư tạm dừng kế hoạch đổ vốn vào Việt Nam.
“Cả hai yếu tố này đã dẫn tới tình trạng thu hút vốn FDI sụt giảm", ông Phong phân tích. “Lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là công nghiệp chế biến chế tạo và đây cũng là lĩnh vực mà nguồn vốn rót vào Việt Nam lớn nhất từ trước tới nay".
Ông Nam, Kyoung Wan - Phụ trách khối doanh nghiệp Hàn Quốc tại Khu công nghiệp Long An Kizuna, cho hay dịch COVID-19 gây ra sự ngưng trệ các hoạt động sản xuất trong chuỗi cung ứng toàn thế giới. Nền kinh tế toàn cầu đang bị suy thoái từ cả hai phía cung và cầu, không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng kinh tế nào trong quá khứ.
“Các tập đoàn đa quốc gia giảm ít nhất 30% các khoản đầu tư mới, đồng nghĩa dòng vốn FDI cũng sẽ giảm tương ứng 30% so với năm trước”, ông Nam, Kyoung Wan nói. “Trong tình trạng hỗn loạn lớn về tài chính, không có công ty nào có thể nghĩ đến việc đầu tư vào các quốc gia khác, ngay cả đất nước của họ. Họ bận lo sống sót để vượt qua đại dịch”.
Hiện nay, khoảng 25% các doanh nghiệp tại Kizuna đã giảm công suất sản xuất, đa số là các doanh nghiệp lĩnh vực chế biến thực phẩm. Một số doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ chuỗi nhà hàng, khách sạn hiện đang tạm ngừng hoạt động theo chỉ thị của chính phủ. Một số doanh nghiệp bị ảnh hưởng do nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ Trung quốc bị ngưng trệ hoặc do đội ngũ chuyên gia nước ngoài vẫn chưa thể quay lại Việt Nam làm việc sau kỳ nghỉ Tết.
Theo đánh giá của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vừa qua các tập đoàn lớn như Apple, ExxonMobil và nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã hủy chuyến công tác đến Việt Nam và trì hoãn việc ra quyết định đầu tư.
Không chỉ các dự án mới bị huỷ bỏ hoặc trì hoãn, hoạt động của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi nhập khẩu nguyên liệu gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, hoặc đóng cửa nhà máy, cho nhân viên nghỉ không lương.
Apple đã phải hoãn kế hoạch tăng 20% số lượng đơn hàng sản xuất tại Việt Nam, tương đương khoảng 12 tỉ đô la Mỹ xuất khẩu. Nike ước tính có khoảng 10 triệu đôi giày và hàng may mặc bị chậm sản xuất tại Việt Nam và Indonesia.
Nhiều doanh nghiệp như Foxconn, Apple, Nike và các doanh nghiệp Đài Loan, Trung Quốc tại Việt Nam đã phản ánh chi phí hậu cần (logistics) đã tăng lên đáng kể, do phải vận chuyển hàng hóa bằng đường biển, đường hàng không thay cho đường bộ.
PGS-TS Tô Trung Thành, trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, Hàn Quốc và Nhật Bản đang là các quốc gia đứng đầu về lượng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam. Nếu nền kinh tế Hàn Quốc và Nhật Bản bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh, chắc chắn vốn FDI của các quốc gia này vào Việt Nam sẽ sụt giảm mạnh.
“Các nhà đầu tư mới từ các quốc gia khác cũng sẽ có xu hướng giảm và dừng tìm kiếm cơ hội đầu tư do khó khăn ở chính quốc gia họ”, ông Thành nói.
Việt Nam có còn là điểm đến hấp dẫn?
Làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia khác bắt đầu từ khi chiến tranh thương mại diễn ra. Dịch bệnh Covid-19, theo nhiều chuyên gia, sẽ càng đẩy nhanh tiến trình dịch chuyển này nhanh hơn một khi dịch bệnh trên toàn cầu được kiểm soát.
Gần đây, lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ Đài Loan đã lên tiếng muốn chuyển địa điểm sản xuất. Và Việt Nam là địa điểm được nhắc như là một trong những lựa chọn hàng đầu.
Tuần trước, ông Simon Lin, Chủ tịch tập đoàn Wistron, đơn vị lắp ráp cho hãng điện thoại hàng đầu thế giới Apple đã nói với Bloomberg rằng công ty ông có thể đạt được 50% sản lượng sản xuất ngoài Trung Quốc vào năm 2021.
Cũng trong tuần trước, hai nhà sản xuất lắp ráp điện tử khác của Đài Loan cũng thông báo kế hoạch tăng cường mở rộng sản xuất ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro.
Bà Lê Hồng Liên, Giám đốc về Nghiên cứu khối khách hàng của Maybank Kim Eng Việt Nam cho rằng, Việt Nam được quốc tế đánh giá cao khi đã có chính sách quyết liệt, ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh. Số ca nhiễm Covid 19 của Việt Nam thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines.
Hơn nữa, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU vừa được Ủy ban châu Âu (EC) thông qua sẽ là cơ hội để Việt Nam đón dòng vốn từ khối này. “Chúng tôi lạc quan về dòng vốn FDI tại Việt Nam sau dịch bệnh”, bà Liên nói.
Bà Shirakawa Satoko, phụ trách khối doanh nghiệp Nhật bản và tiếng Anh của Khu công nghiệp Kizuna (Long An) dự báo, dòng vốn FDI tiếp tục đổ mạnh vào Việt Nam nếu chính quyền kiểm soát tốt dịch bệnh và có thể vượt qua đại dịch với tổn thất được hạn chế ở mức tối thiểu, nhanh chóng mở cửa biên giới. Khi đó, Việt Nam được xem là một trong những điểm đến an toàn.
“Kinh tế - xã hội Việt Nam đang phát triển ổn định, chính phủ đã và đang thực hiện các biện pháp quyết liệt để kiểm soát đại dịch trên toàn quốc", bà Shirakawa Satoko nói.
Trong giai đoạn đầy thách thức này, các doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục tìm hiểu cơ hội hợp tác với Kizuna thông qua hình thức trực tuyến.
Các cuộc khảo sát thực tế để ra quyết định đầu tư bị hoãn lại do các quốc gia đóng cửa biên giới. Quy mô đầu tư xưởng sản xuất cũng đang được xem xét để phù hợp với kế hoạch đầu tư, kinh doanh trong thời gian tới. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Kizuna vẫn hy vọng nhu cầu đầu tư sẽ tiếp tục quay trở lại một khi dịch bệnh được kiểm soát.
Quay trở lại câu chuyện của Tổ hợp khu công nghiệp Deep C, tới nay, chưa có doanh nghiệp nào trong khu công nghiệp này phải đóng cửa, nhưng tình trạng giảm công suất sản xuất diễn ra khá phổ biến. Dù vậy, ông Hans Kerstens vẫn tin rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát.